21/10/2021
Giá trị cuộc sống
STELLAPHARM sinh ra là để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người bệnh, giúp tăng cường đảm bảo chất lượng cuộc sống của mọi người. Sức khỏe của bạn, cho hôm nay và tương lai.
TĂNG ĐƯỜNG HUYẾT
1. Cafein
Lượng đường trong máu có thể tăng lên sau khi bạn uống cà phê – ngay cả với cà phê đen không chứa calo – do thành phần cafein. Tương tự đối với trà đen, trà xanh và nước tăng lực. Cách mà mỗi bệnh nhân tiểu đường đáp ứng với thực phẩm và đồ uống sẽ khác nhau, vì vậy tốt nhất bạn nên theo dõi đáp ứng của chính mình. Điều cần biết là các hợp chất khác trong cà phê lại có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2 ở những người khỏe mạnh.
2. Thực phẩm không đường
Nhiều loại trong số những thực phẩm này sẽ làm tăng đường huyết. Tại sao ư? Chúng vẫn có thể chứa nhiều carbohydrate (carb) từ tinh bột. Hãy kiểm tra tổng lượng carb trên nhãn thông tin dinh dưỡng (Nutrition Facts) dán trên sản phẩm trước khi bạn ăn. Bạn cũng nên chú ý đến các loại rượu đường (sugar alcohol) như sorbitol và xylitol (chú thích: rượu đường còn được gọi là polyol, là một loại carb có cấu trúc kết hợp đường và rượu). Chúng tạo ra vị ngọt với lượng carb ít hơn đường (sucrose), nhưng lượng này vẫn đủ để có thể làm tăng mức đường huyết của bạn.
3. Thức ăn Trung Hoa
Khi bạn ăn một đĩa thịt bò tẩm vừng hay gà chua ngọt, không phải chỉ có cơm trắng đi kèm mới có thể gây ra các thay đổi đường huyết. Thực phẩm giàu chất béo có thể làm tăng lượng đường trong máu trong thời gian kéo dài hơn. Điều này cũng tương tự với bánh pizza, khoai tây chiên và các loại thức ăn khác có nhiều carb và chất béo. Hãy kiểm tra lượng đường trong máu khoảng 2 giờ sau khi ăn để biết được thức ăn ảnh hưởng đến đường huyết như thế nào.
4. Cảm lạnh nặng
Lượng đường trong máu tăng lên khi cơ thể chống lại bệnh cảm nặng. Nhớ bổ sung nước và các chất lỏng khác để giữ cho cơ thể đủ nước. Hãy đi thăm khám nếu bạn bị tiêu chảy hoặc nôn mửa trong hơn 2 giờ hoặc nếu bạn bị bệnh kéo dài 2 ngày và không thuyên giảm. Lưu ý rằng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng sinh và thuốc thông mũi–xoang, có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
5. Căng thẳng công việc
Bạn đang cảm thấy quá tải và không hài lòng với công việc của mình? Điều này có thể đem lại tác động tiêu cực. Khi bạn bị căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone có thể làm cho lượng đường trong máu tăng lên. Tình trạng này phổ biến hơn đối với những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Hãy học cách thư giãn bằng cách hít thở sâu và tập thể dục. Ngoài ra, nếu có thể, hãy cố gắng thay đổi những điều khiến bạn bị căng thẳng.
6. Bánh mì vòng (bagel)
Điều khác biệt giữa ăn một lát bánh mì trắng và một chiếc bánh mì vòng là gì? Bánh mì vòng (bánh mì tròn) chứa nhiều carb hơn so với một lát bánh mì. Nó cũng có nhiều calo hơn. Vì vậy, nếu bạn đang rất muốn ăn một chiếc bánh mì vòng, hãy chọn loại bánh nhỏ nhé.
7. Đồ uống thể thao
Các loại đồ uống này được tạo ra để giúp bạn bổ sung chất lỏng một cách nhanh chóng, nhưng một số trong những loại này lại chứa nhiều đường, chẳng hạn như soda. Nước lọc có lẽ là tất cả những gì bạn cần cho một buổi tập luyện vừa phải dưới 1 giờ. Đồ uống thể thao có thể phù hợp với buổi tập luyện lâu hơn và cường độ cao hơn. Nhưng hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước để xem liệu lượng calo, carb và khoáng chất trong các loại đồ uống này có an toàn cho bạn hay không.
8. Trái cây sấy khô
Trái cây là sự lựa chọn lành mạnh, nhưng hãy lưu ý rằng các loại trái cây sấy khô lại cung cấp nhiều carb hơn chỉ trong một khẩu phần nhỏ. Chỉ cần 2 thìa nho khô, nam việt quất khô hoặc anh đào khô là bạn đã có lượng carb của một miếng trái cây nhỏ. 3 quả chà là cung cấp 15g carb.
9. Thuốc steroid và thuốc lợi tiểu
Chúng ta dùng corticosteroid – chẳng hạn như prednisone – để điều trị phát ban, viêm khớp, hen suyễn và nhiều bệnh lý khác. Nhưng các loại thuốc này có thể làm tăng lượng đường trong máu và thậm chí có thể dẫn đến bệnh tiểu đường ở một số người. Thuốc lợi tiểu dùng điều trị tăng huyết áp, cũng có thể làm tăng đường huyết. Một số thuốc chống trầm cảm cũng làm tăng hoặc giảm lượng đường trong máu.
10. Thuốc cảm
Thuốc chống nghẹt mũi–xoang với thành phần pseudoephedrine hoặc phenylephrine có thể làm tăng lượng đường trong máu. Thuốc cảm đôi khi cũng có chứa một ít đường hoặc cồn, vì vậy hãy tìm những sản phẩm không có những thành phần này. Thuốc kháng histamine hiếm khi gây ra vấn đề với đường huyết. Hãy hỏi dược sĩ về những tác dụng có thể có của các thuốc không kê đơn trước khi bạn mua và sử dụng chúng.
GIẢM ĐƯỜNG HUYẾT
11. Công việc nhà
Việc dọn dẹp nhà cửa hoặc dọn dẹp vườn tược có thể có thêm một lợi ích cho những người mắc bệnh tiểu đường, đó chính là giảm đường huyết. Nhiều công việc nhà bạn làm hàng tuần được coi là hoạt động thể chất vừa phải, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hãy tăng cường đi bộ khi đi mua sắm vật phẩm trong nhà. Các hoạt động nhỏ như thế khi kết hợp vào các hoạt động thường nhật sẽ làm tăng mức độ vận động của bạn.
12. Sữa chua
Thực phẩm có chứa lợi khuẩn – như nhiều loại sữa chua – được gọi là probiotic. Các loại thực phẩm này có thể cải thiện chức năng tiêu hóa và cũng có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Một số loại sữa chua được cho thêm đường bổ sung và trái cây, vì vậy hãy cẩn thận tính toán lượng carb. Lựa chọn tốt nhất dành cho bạn là sữa chua nguyên chất không thêm đường.
13. Chế độ ăn thuần chay
Một nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 khi chuyển sang chế độ ăn thuần chay (chỉ ăn các thực phẩm có nguồn gốc thực vật) sẽ kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn và cần ít lượng insulin hơn. Việc tăng cường chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu hạt có thể có lợi do làm chậm quá trình tiêu hóa carb. Nhưng các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm để biết liệu việc chuyển sang chế độ ăn thuần chay có thực sự giúp ích cho bệnh tiểu đường hay không. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bạn thực hiện những thay đổi lớn liên quan đến chế độ ăn uống.
14. Quế
Một chút gia vị này có thể tăng thêm hương vị cho món ăn mà không bổ sung thêm muối, carb hoặc calo. Một số nghiên cứu cho thấy quế cũng có thể giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn và có thể làm giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Cần có thêm các nghiên cứu để khẳng định tác động này, cũng như biết được liệu các sản phẩm bổ sung chứa hàm lượng cao có thể gây ra tác dụng phụ hay không. Tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thử dùng quế nhé.
GÂY BIẾN ĐỘNG, CẢ TĂNG VÀ GIẢM
15. Tập thể dục
Hoạt động thể chất là một biện pháp tăng cường sức khỏe tuyệt vời cho tất cả mọi người. Nhưng những người mắc bệnh tiểu đường nên điều chỉnh nó theo nhu cầu cá nhân. Khi bạn tập thể dục đến mức đủ để đổ mồ hôi và tăng nhịp tim, lượng đường trong máu của bạn có thể tăng đột biến, sau đó giảm xuống. Tập thể dục cường độ cao hoặc kéo dài có thể khiến lượng đường trong máu giảm kéo dài trong vài giờ sau đó. Việc ăn một bữa ăn nhẹ trước khi bạn bắt đầu tập thể dục có thể hữu ích. Hãy kiểm tra lượng đường huyết trước, trong và sau khi bạn tập thể dục.
16. Đồ uống có cồn
Đồ uống có cồn có chứa nhiều carb, vì vậy ban đầu chúng sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vài giờ sau khi uống, lượng đường trong máu có thể giảm xuống. Nếu uống các đồ uống có cồn, tốt nhất bạn cũng nên ăn một chút gì đó và kiểm tra đường huyết. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyên không nên uống nhiều hơn 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly đối với nam giới. Một ly như vậy tương đương 148 ml rượu vang, 355 ml bia, hoặc 44 ml rượu mạnh như vodka hoặc whisky.
17. Nhiệt độ cao
Bạn sẽ an toàn hơn khi ở trong phòng có điều hòa nhiệt độ khi thời tiết ngoài trời nóng bức. Nhiệt độ cao khiến cho lượng đường trong máu khó kiểm soát hơn. Bạn nên kiểm tra đường huyết thường xuyên và uống nhiều nước để tránh việc cơ thể bị mất nước. Nhiệt độ cao cũng có thể ảnh hưởng đến thuốc, máy đo đường huyết và que thử đường huyết. Đừng để những thứ này tiếp xúc với nhiệt độ quá cao, như để chúng trong xe đậu ngoài trời chẳng hạn.
18. Nội tiết tố nữ
Khi nội tiết tố (hormone) nữ thay đổi, lượng đường trong máu cũng thay đổi theo. Ghi lại chỉ số đường huyết đo được trong tháng để biết rõ hơn chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng đến các chỉ số này như thế nào. Sự thay đổi hormone trong thời kỳ mãn kinh có thể khiến lượng đường trong máu khó kiểm soát hơn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc liệu pháp thay thế hormone có thể giúp ích trong trường hợp này hay không.
CẦN THẬN TRỌNG
19. Thuốc ngừa thai
Các loại thuốc tránh thai có chứa estrogen có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý insulin. Tuy nhiên, thuốc tránh thai đường uống vẫn an toàn cho phụ nữ mắc bệnh tiểu đường. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đề xuất một loại thuốc viên kết hợp có chứa norgestimate và estrogen tổng hợp, đồng thời cho biết các thuốc ngừa thai dạng tiêm và cấy ghép cũng an toàn cho phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, mặc dù chúng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
20. Ngủ Đối với một số người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt nếu họ dùng insulin, lượng đường trong máu có thể xuống thấp và gây nguy hiểm khi họ ngủ. Tốt nhất bạn nên kiểm tra đường huyết trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Một bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ có thể hữu ích. Đối với một số người, lượng đường trong máu có thể tăng vào buổi sáng – thậm chí trước khi ăn sáng – do sự thay đổi của hormone hoặc sự giảm insulin. Kiểm tra đường huyết thường xuyên là việc quan trọng cần làm. Bạn có thể lựa chọn máy theo dõi đường huyết liên tục – thiết bị có thể cảnh báo mức đường huyết cao và thấp.
Nguồn: WEB MD
STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.
Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), và các tổ chức, cơ quan khác.
Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có
Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu