22/02/2022
Giá trị cuộc sống
STELLAPHARM sinh ra là để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người bệnh, giúp tăng cường đảm bảo chất lượng cuộc sống của mọi người. Sức khỏe của bạn, cho hôm nay và tương lai.
Cholesterol là thành phần thiết yếu của màng tế bào động vật và như vậy, nó được tổng hợp bởi tất cả các tế bào động vật. Vì lý do đó, cho dù ấn tượng của chúng ta đối với cholesterol có không tốt như thế nào đi chăng nữa thì thành phần này vẫn rất cần thiết cho sự sống.
Tuy nhiên, khi hiện diện với lượng cao trong máu, cholesterol sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Cholesterol cùng với các chất khác – chẳng hạn như chất béo và canxi – tích tụ và hình thành các mảng bám trên thành động mạch. Theo thời gian, tình trạng này sẽ làm thu hẹp các mạch máu và có thể dẫn đến các biến chứng, bao gồm đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng mức cholesterol cao là nguyên nhân gây ra 2.6 triệu ca tử vong mỗi năm.
Với mức độ phổ biến như thế, không có gì ngạc nhiên khi thông tin sai lệch về cholesterol rất phổ biến. Vì vậy, để giúp mọi người phân biệt được đâu là sự thật và đâu là những lầm tưởng, Medical News Today đã nhờ đến sự giúp đỡ của ba chuyên gia:
1. Tất cả cholesterol đều xấu
Như đã đề cập ở trên, cholesterol là một thành phần thiết yếu của màng tế bào. Ngoài vai trò cấu trúc trong màng tế bào, cholesterol cũng rất quan trọng trong việc sản xuất hormone steroid, vitamin D và axit mật.
Vì vậy, mặc dù lượng cholesterol trong máu cao là một yếu tố nguy cơ của bệnh tật, nếu không có cholesterol, chúng ta không thể tồn tại.
Như Bác sĩ Greenfield giải thích: “Cholesterol không xấu. Đó là một ‘người ngoài cuộc’ vô tội đang phải hứng chịu những xử lý sai lầm trong lối sống hiện đại ngày nay của chúng ta.”
Ông cho biết thêm: “Cơ thể chúng ta không được thiết kế để sống trong một môi trường dư thừa thức ăn, và vì vậy khi lượng cholesterol dư thừa, nó sẽ tích tụ trong cơ thể. Nơi chủ yếu xảy ra sự tích tụ này thường là mạch máu, và đó là lúc nó gây hại cho chúng ta.”
Ngoài các chức năng của cholesterol trong cơ thể, cách thức trong đó cholesterol được vận chuyển cũng tạo ra sự khác biệt về việc liệu nó có gây hại cho sức khỏe hay không.
Cholesterol được vận chuyển khắp cơ thể bởi lipoprotein. Lipoprotein là thành phần bao gồm chất béo và protein. Sự vận chuyển này xảy ra theo hai cách chính.
2. Tôi có cân nặng hợp lý, vì vậy tôi không thể có mức cholesterol cao
Bác sĩ Greenfield nói: “Ồ, bạn vẫn có thể đấy! Lượng cholesterol thực sự là kết quả của những gì chúng ta ăn vào nhưng đồng thời cũng phụ thuộc vào yếu tố di truyền. Chẳng hạn, một người có thể được sinh ra với khuynh hướng di truyền trong việc không thể xử lý cholesterol một cách hiệu quả”.
Ông giải thích: “Bởi vì nó di truyền, đây được gọi là tình trạng tăng cholesterol máu mang tính gia đình và xuất hiện với tỷ lệ 1 trong 200 người. Cân nặng là kết quả của quá trình trao đổi chất mang tính di truyền cũng như tương quan giữa lượng calo nạp vào và lượng calo tiêu hao.”
Bác sĩ Paz đồng tình: “Ngay cả khi bạn có cân nặng hợp lý, lượng cholesterol trong cơ thể bạn vẫn có thể ở mức bất thường. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến mức cholesterol là thực phẩm bạn tiêu thụ, thói quen tập thể dục của bạn, việc bạn có hút thuốc hay không và lượng rượu mà bạn uống.”
Ngoài ra, theo Bác sĩ Lajoie, những người có cân nặng hợp lý vẫn có thể có mức cholesterol cao, trong khi một số người thừa cân có thể lại không có lượng cao cholesterol. Bà giải thích: “Mức cholesterol bị ảnh hưởng bởi di truyền, chức năng tuyến giáp, thuốc, hoạt động thể dục, giấc ngủ và chế độ ăn uống”.
“Có những yếu tố mà bạn không thể thay đổi có thể góp phần làm tăng mức cholesterol, chẳng hạn như tuổi tác và di truyền”, bà cho biết thêm.
3. Tôi sẽ có các triệu chứng nếu mức cholesterol của tôi cao
Đây là một lầm tưởng khác. Bác sĩ Paz cho biết: “Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng cholesterol cao sẽ không gây ra các triệu chứng. Đó là lý do tại sao bạn được khuyến cáo thực hiện xét nghiệm máu định kỳ để tầm soát cholesterol cao. Độ tuổi bạn nên bắt đầu tầm soát và tần suất tầm soát được xác định bởi các yếu tố nguy cơ mang tính cá nhân”.
Bác sĩ Greenfield nói: “Các triệu chứng mà mức cholesterol cao có thể liên quan đến thường là các triệu chứng muộn, khi sự tích tụ quá nhiều cholesterol gây ra tổn thương và tắc nghẽn tim và mạch máu. Tình trạng này dẫn đến đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, hoặc thậm chí đột tử.”
Bác sĩ Lajoie nhắc lại rằng tình trạng cholesterol cao dẫn đến sự tích tụ âm thầm của mảng bám trong động mạch cho đến khi nó nghiêm trọng đến mức khiến tình trạng đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim xảy ra.
4. Nếu tôi tiêu thụ nhiều cholesterol, tôi sẽ có mức cholesterol cao
Vấn đề này phức tạp hơn một chút so với những gì người ta hình dung. Bác sĩ Lajoie giải thích: “Lượng cholesterol mà một người tiêu thụ không nhất thiết có mối tương quan trực tiếp với mức cholesterol trong cơ thể. Tiêu thụ đường, hoặc carbohydrate đơn giản có thể dẫn đến mức cholesterol cao hơn, ngay cả khi chúng ta không ăn nhiều cholesterol.”
Cô cũng cho biết thêm: “Những người tập thể dục có ít khả năng hơn bị tăng mức cholesterol từ việc tiêu thụ cholesterol khi so sánh với những người ít vận động.”
Theo Bác sĩ Greenfield, nếu chúng ta tiêu thụ nhiều cholesterol hơn, chúng ta rất có thể sẽ làm tăng lượng cholesterol của cơ thể mình. Ông giải thích nguyên nhân: “Bạn không đến cửa hàng và mua một gói cholesterol, nhưng bạn mua thịt đỏ, phô-mai và trứng. Thịt đỏ chứa chất béo bão hòa và cholesterol. Cholesterol là một sản phẩm từ động vật, vì vậy các thực phẩm có chứa chất béo bão hòa sẽ không chỉ làm tăng cholesterol mà còn làm tăng đặc biệt là cholesterol ‘xấu’ (hay LDL cholesterol), từ đó sẽ lắng đọng trong thành động mạch”.
5. Mục tiêu về mức cholesterol mà mọi người nên hướng đến là như nhau
Bác sĩ Paz cho biết: “Điều này không đúng. Mức cholesterol mục tiêu của bạn sẽ dựa trên việc liệu bạn có tiền sử gặp phải một số vấn đề nhất định – như nhồi máu cơ tim và đột quỵ, cũng như có nguy cơ mắc phải các tình trạng này hay không dựa trên những yếu tố như tuổi tác và bạn có bị tình trạng cao huyết áp không.”
Bác sĩ Greenfield thể hiện sự đồng tình: “Các hướng dẫn về cholesterol được xuất bản bởi Hiệp hội Tim mạch (AHA) Hoa Kỳ, Trường Đại học Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Lipid Quốc gia xem đó là một quan niệm sai lầm”.
Ông giải thích thêm: “Đối với những người không có bất kỳ vấn đề nào về tim mạch, LDL cholesterol (hay cholesterol ‘xấu’) phải dưới 100 miligam mỗi decilít (mg/dl). Nhưng nếu một người mắc bệnh lý về tim hoặc mạch máu – như có tiền sử nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoặc một bệnh lý động mạch nào khác, và đặc biệt nếu người đó bị tiểu đường, mục tiêu LDL cholesterol phải dưới 70 mg/dl hoặc thấp hơn”.
6. Chỉ nam giới mới cần lo lắng về mức cholesterol
Đây là một quan niệm tồn tại lâu dài, nhưng nó không phải là sự thật. Bác sĩ Paz cho biết: “Theo CDC Hoa Kỳ, trong giai đoạn 2015 – 2018, tỷ lệ cholesterol toàn phần cao trên người trưởng thành ở Hoa Kỳ là 11.4%. Khi tiến hành so sánh, tỷ lệ này là 10.5% ở nam giới và 12.1% ở phụ nữ”.
Bác sĩ Greenfield cho biết: “Bệnh tim không phân biệt giới tính”. Ông giải thích: “Cơ thể phụ nữ sau khi mất tác dụng bảo vệ của estrogen sẽ bắt đầu đẩy nhanh nguy cơ mắc bệnh tim và phát triển nguy cơ giống như nam giới. Trên thực tế, do phụ nữ mắc bệnh tim ở độ tuổi muộn hơn và có tuổi thọ cao hơn, số lượng các cơn nhồi máu cơ tim hàng năm ghi nhận trên phụ nữ sẽ nhiều hơn ở nam giới”.
Ông cũng cho biết thêm rằng khi phụ nữ trải qua cơn nhồi máu tim, họ có khuynh hướng gặp phải hậu quả xấu hơn và phụ nữ có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn nhiều so với ung thư vú.
7. Tôi không thể làm gì để cải thiện mức cholesterol của mình
May mắn là đây không phải là sự thật. Bác sĩ Paz cho biết: “Ngoài việc sử dụng thuốc hạ cholesterol, bạn cũng có thể cải thiện mức cholesterol của mình bằng cách duy trì cân nặng hợp lý, lựa chọn và tiêu thụ những thực phẩm phù hợp, tập thể dục, tránh hút thuốc và tránh uống rượu quá mức.”
Bác sĩ Greenfield đồng ý: “Có rất nhiều điều có thể được thực hiện để cải thiện mức cholesterol cao. Chế độ ăn và luyện tập thể dục luôn là những bước đầu tiên và vẫn cực kỳ quan trọng. Nhóm thuốc statin rất hiệu quả trong việc giảm cholesterol và cũng an toàn. Những thuốc trong nhóm này đã xuất hiện từ năm 1987, với các statin mới có hiệu quả và tính an toàn được cải thiện, đồng thời ít tác dụng phụ hơn.”
Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới. Bác sĩ Greenfield giải thích rằng “các chất ức chế PCSK-9 dạng tiêm mới cũng đã được chứng minh là làm giảm đáng kể cholesterol xuống mức mà chúng ta chưa từng thấy trước đây”. Theo ông, những thuốc này cũng an toàn và ít gây ra tác dụng phụ.
8. Tôi đang sử dụng statin, vì vậy tôi có thể ăn những gì tôi muốn
Bác sĩ Greenfield cho biết: “Thật tốt nếu đó là sự thật, nhưng tiếc là không phải vậy. Nếu bạn ăn những gì bạn muốn và nạp vào cơ thể quá nhiều calo, bạn sẽ tăng cân. Khi bạn tăng cân quá nhiều, đặc biệt là xung quanh vùng bụng, bạn có thể gặp phải hội chứng chuyển hóa, đây chính là tình trạng tiền tiểu đường”.
Ông nói tiếp: “Statin không phải là thuốc giảm cân. Nhiệm vụ của nhóm thuốc này là giảm lượng cholesterol ‘xấu’, và nhiệm vụ của bạn là tôn trọng cũng như đối xử tốt với cơ thể của chính mình, điều này bao gồm cả việc cân nhắc những gì mà bạn ăn.”
9. Tôi dưới 40 tuổi, vì vậy tôi không cần phải kiểm tra mức cholesterol của mình
Bác sĩ Paz giải thích: “Mặc dù có một số tranh luận về thời điểm bắt đầu tầm soát cholesterol cao, nhiều hiệp hội – chẳng hạn như AHA – khuyên bạn nên tầm soát sớm ở độ tuổi 20″.
Đồng ý với Bác sĩ Paz, Bác sĩ Greenfield tiếp lời: “Các mạch máu càng được tắm lâu trong máu có hàm lượng cholesterol quá cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạch sau này càng tăng lên. Các khuyến cáo chỉ rõ rằng việc kiểm tra mức cholesterol lần đầu tiên nên được thực hiện ở độ tuổi thanh thiếu niên, và nên kiểm tra sớm hơn nữa nếu bạn có tiền sử gia đình rõ ràng.”
Ông cho biết thêm, đối với những người bị tăng cholesterol máu có tính chất gia đình kiểu đồng hợp tử, việc kiểm tra nên được thực hiện lúc 2 tuổi.”
Điểm mấu chốt
Tóm lại, Bác sĩ Greenfield muốn nhấn mạnh một lần nữa những điều sau: “Tôi khuyến khích bệnh nhân của mình đặt câu hỏi và tìm hiểu về bệnh tình của họ. Nhưng xin lưu ý rằng có một lượng lớn các tài liệu là sai lệch và vì thế dẫn đến những quan điểm không đúng.”
Ông nói thêm: “Hãy truy cập các trang web có uy tín và tin tưởng vào kết quả nghiên cứu khoa học được công bố bởi những người đã cống hiến cả cuộc đời của họ cho việc điều trị bệnh lý tim mạch. Và nếu điều gì đó nghe có vẻ phi logic hoặc quá tốt để trở thành sự thật, thì có lẽ nó đúng là như vậy. Đồng thời, hãy đối xử với bản thân bạn thật tốt và thật nghiêm túc.”
Nguồn: Medical News Today
STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.
Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.
Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có
Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu