Lão hóa miễn dịch và cách chống lại tình trạng này

Theo tuổi tác, hệ miễn dịch của chúng ta trở nên kém hiệu quả hơn trong việc đối phó với các tình trạng nhiễm trùng cũng như kém đáp ứng với việc chủng ngừa. Đồng thời, hệ miễn dịch lão hóa có mối liên hệ với tình trạng viêm mạn tính, từ đó làm tăng nguy cơ mắc hầu hết các bệnh liên quan đến tuổi già.

Tin tốt cho bạn là việc tập thể dục và áp dụng chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp một người duy trì khả năng miễn dịch khỏe mạnh khi về già.

Tinh tinh và khỉ đột – những loài linh trưởng gần gũi nhất với con người – chỉ sống được thêm 10–15 năm trong tự nhiên khi chúng trưởng thành. Sau khi nhánh tiến hóa của con người tách ra khỏi nguồn gốc của mình, tuổi thọ của tổ tiên chúng ta đã tăng gấp đôi trong vòng 5 triệu năm tiếp theo.

Các nhà khoa học tin rằng nó vẫn tương đối ổn định vào thế kỷ 18. Tuy nhiên, trong 250 năm từ đó đến nay, tuổi thọ trung bình lại tăng hơn gấp đôi do những cải thiện về điều kiện vệ sinh và chăm sóc sức khỏe.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ có tuổi thọ trung bình cao. Tuy nhiên, lịch sử tiến hóa lâu dài của chúng ta đã khiến chúng ta thích nghi với những lối sống khác nhau (và thậm chí cả tuổi thọ), và những điều này đã thay đổi đáng kể.

Kết quả là, khả năng miễn dịch không chỉ suy yếu khi chúng ta già đi, nó cũng trở nên mất cân bằng. Điều này ảnh hưởng đến hai nhánh của hệ thống miễn dịch – miễn dịch ‘bẩm sinh’ (innate immunity) và miễn dịch ‘thích ứng’ (adaptive immunity) – trong một ‘cú đánh kép’ của sư lão hóa miễn dịch.

  • Khả năng miễn dịch bẩm sinh – tuyến phòng thủ đầu tiên của chúng ta để chống lại nhiễm trùng – không thể bảo vệ cơ thể trước mối đe dọa ban đầu, từ đó gây ra tình trạng viêm toàn thân mạn tính.
  • Khả năng miễn dịch thích ứng – chịu trách nhiệm ghi nhớ và tấn công các mầm bệnh cụ thể – dần dần mất khả năng bảo vệ chống lại virus, vi khuẩn và nấm.

Tình trạng viêm mức độ thấp mạn tính có mối quan hệ với hầu hết các bệnh lý liên quan đến tuổi già, bao gồm bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, ung thư và sa sút trí tuệ. Tình trạng viêm này cũng đóng vai trò hàng đầu trong một số tình trạng tự miễn phổ biến ở người lớn tuổi, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.

Việc suy giảm khả năng miễn dịch thích ứng đi kèm với tuổi già không chỉ khiến chúng ta dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn, nó cũng có thể kích hoạt lại các mầm bệnh không hoạt động vốn đã bị khống chế trước đó.

Ngoài ra, khi khả năng miễn dịch thích ứng của người lớn tuổi yếu đi, điều đó có nghĩa là cơ thể họ đáp ứng kém hơn với các loại vaccine, chẳng hạn như vaccine cúm hàng năm.

Lão hóa và khả năng miễn dịch bẩm sinh

Các nhà nghiên cứu đã gọi tình trạng viêm mức độ thấp dai dẳng có liên quan đến hầu hết các bệnh lý của tuổi già là chứng viêm do lão hóa.

Các tác giả của một nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Immunology giải thích:

“Mặc dù viêm là một phần của đáp ứng tự nhiên của cơ thể để tự chữa lành và rất cần thiết trong việc giữ cho chúng ta không bị nhiễm vi khuẩn, virus, cũng như các tác nhân độc hại từ môi trường, không phải tất cả tình trạng viêm đều tốt. Khi tình trạng viêm trở nên kéo dài và dai dẳng, nó có thể gây ra tổn thương và nguy hại cho cơ thể”.

Sau một tình trạng nhiễm trùng hoặc chấn thương ban đầu, hệ miễn dịch của những người trẻ chuyển sang chế độ phản ứng chống viêm. Đây là điều dường như không diễn ra một cách hiệu quả ở người lớn tuổi. Nguyên nhân là do sự tích tụ của các tế bào miễn dịch đã già cỗi.

Các tế bào miễn dịch già cỗi có các telomere ngắn hơn. Telomere là các nắp bảo vệ ở các đầu của nhiễm sắc thể. Cũng giống như những phần nhựa ở đầu các dây giày để giúp chúng không bị sờn, các telomere ngăn không cho vật chất di truyền quan trọng bị mất khi nhiễm sắc thể được sao chép trong quá trình nhân lên của tế bào.

Các telomere sẽ ngắn đi một chút mỗi khi tế bào phân chia, cho đến khi quá trình phân chia dừng lại hoàn toàn. Nếu tế bào sống sót, nó sẽ dần bị rối loạn chức năng.

Tế bào miễn dịch già cỗi tạo ra nhiều phân tử truyền tín hiệu miễn dịch là các cytokine, từ đó thúc đẩy quá trình viêm. Cụ thể, chúng tạo ra nhiều interleukin 6 (IL-6) và yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-alpha).

Các nhà khoa học đã cho thấy mức độ liên hệ cao giữa IL-6 và TNF-alpha với tình trạng khuyết tật và tỷ lệ tử vong ở người lớn tuổi. Chúng có mối liên hệ đặc biệt chặt chẽ với bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, bệnh thoái hóa thần kinh và ung thư.

Khi số lượng tế bào tiền viêm tăng lên, có sự gia tăng số lượng tế bào miễn dịch là đại thực bào M1 (tính chất tiền viêm nhiều hơn) và sự giảm sút số lượng đại thực bào M2 (tính chất điều hòa miễn dịch nhiều hơn).

Những thay đổi này trong tỷ lệ tế bào M1 và M2 dường như có liên quan đến việc tăng nguy cơ gặp phải các mảng xơ vữa (bao gồm chất béo và các mảnh vụn), từ đó gây tắc nghẽn động mạch do xơ vữa động mạch.

Lão hóa và khả năng miễn dịch thích ứng

Thông qua miễn dịch thích ứng, hệ thống miễn dịch học cách nhận biết và vô hiệu hóa các tác nhân gây bệnh cụ thể.

Một loại tế bào miễn dịch được gọi là tế bào T đóng vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch thích ứng. Trong giai đoạn nhiễm trùng, các tế bào T “ngây thơ” (naïve T cell) học cách nhận ra tác nhân cụ thể gây nhiễm trùng. Sau đó, chúng biệt hóa thành các tế bào chuyên biệt để tạo ra các phản ứng miễn dịch trong tương lai nhằm chống lại cùng một mầm bệnh.

Tổng số lượng tế bào T không đổi trong suốt cuộc đời, nhưng theo thời gian, nhóm các tế bào “ngây thơ”, chưa biệt hóa dần dần thu hẹp lại, vì ngày càng có nhiều tế bào tham gia đối phó với các tình trạng nhiễm trùng cụ thể.

Kết quả là, cơ thể người lớn tuổi ít có khả năng tạo ra các phản ứng miễn dịch hiệu quả đối với tình trạng nhiễm trùng mới. Cũng với lý do tương tự, việc chủng ngừa tạo ra các kích thích đáp ứng từ hệ miễn dịch lão hóa một cách yếu hơn và do đó, cung cấp sự bảo vệ ít hơn.

Trớ trêu là, việc tiêm phòng cúm suốt đời có thể làm giảm hiệu quả của các mũi vaccine hàng năm khi về già. Thật vậy, nghiên cứu cho thấy rằng việc chủng ngừa cúm lặp lại có thể dẫn đến giảm đáp ứng kháng thể.

Nhiều người lớn tuổi có khả năng nhiễm virus cytomegalo mà không có triệu chứng. Tình trạng nhiễm virus này rất phổ biến và dai dẳng, đồng thời nếu có thì triệu chứng cũng rất ít. Ở người lớn tuổi, tình trạng nhiễm trùng này có thể làm cạn kiệt dần nguồn lực miễn dịch của họ, khiến họ dễ nhiễm các loại virus khác và làm giảm tác dụng của việc chủng ngừa cúm.

Ngoài sự suy giảm dần khả năng miễn dịch theo tuổi tác, các tế bào T già cỗi cũng sản xuất nhiều cytokine tiền viêm hơn, chẳng hạn như IL-6. Đến lượt mình, các cytokine này gây ra tình trạng viêm toàn thân mạn tính của chứng viêm do lão hóa.

Chống lại tình trạng lão hóa

Mặc dù không có gì có thể ngăn tình trạng lão hóa, có một số thay đổi lối sống mà chúng ta có thể thực hiện để giữ sức khỏe khi về già.

Phần dưới dây sẽ trình bày chi tiết hơn về các thay đổi như thế.

Theo đánh giá của một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Nature Reviews Immunology, tập thể dục có ảnh hưởng lớn đến hệ miễn dịch.

Là điều không thể tránh khỏi, chúng ta thường ít hoạt động thể chất hơn khi già đi. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy rằng chúng ta nên tập thể dục càng nhiều càng tốt vì điều này có thể làm chậm hoặc thậm chí đẩy lùi một số tác động của sự lão hóa miễn dịch.

Cơ xương tạo ra một loạt các protein gọi là myokine, giúp giảm viêm và duy trì chức năng miễn dịch. Do đó, hoàn toàn hợp lý khi cho rằng việc duy trì khối lượng cơ thông qua tập luyện thể dục giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tình trạng nhiễm trùng cũng như các bệnh lý có liên quan chặt chẽ đến chứng viêm mạn tính, như bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu trên 102 nam giới khỏe mạnh, từ 18–61 tuổi, cho thấy việc tập thể dục nhịp điệu (aerobic) tỷ lệ nghịch với số lượng tế bào T già cỗi trong máu của họ, đã có tính đến sự khác biệt giữa các nhóm tuổi. Nói cách khác, tăng cường luyện tập thể chất sẽ dẫn đến tình trạng lão hóa miễn dịch thấp hơn.

Những người đàn ông khỏe mạnh nhất không chỉ có ít tế bào T già cỗi hơn mà còn có số lượng lớn hơn các tế bào T “ngây thơ”.

Một nghiên cứu khác đã so sánh các đáp ứng miễn dịch với việc tiêm phòng cúm của 61 nam giới khỏe mạnh, từ 65–85 tuổi. Khoảng 1/3 nam giới có cường độ vận động cao (thông qua chạy bộ hoặc chơi các môn thể thao), 1/3 vận động vừa phải và 1/3 gần như không vận động.

Sau khi điều chỉnh theo sự khác biệt tuổi tác, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người vận động tích cực và vừa phải đã tạo ra nhiều kháng thể đáp ứng với việc chủng ngừa hơn so với những người ít vận động nhất.

Đáng chú ý, những người vận động nhiều hơn có nồng độ kháng thể trong huyết thanh – đối với một số chủng cúm – cao hơn, ngay cả trước khi họ được tiêm phòng.

Một loạt các nghiên cứu khác đã xác định những lợi ích tương tự, không chỉ từ hoạt động thể chất lâu dài mà còn từ các đợt tập thể dục đơn lẻ trước khi tiêm phòng.

Như các tác giả của một bài đánh giá đăng trên tạp chí Nature Reviews Immunology giải thích:

“Tổng hợp lại, những nghiên cứu này cho thấy rằng sự xuất hiện của một số đặc điểm của tình trạng lão hóa miễn dịch và mức độ tái tạo hệ miễn dịch có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc hoạt động thể chất không đủ khi chúng ta già đi”.

Điều quan trọng cần lưu ý là phần lớn các nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc tập thể dục và khả năng miễn dịch ở người lớn tuổi là các nghiên cứu cắt ngang. Loại nghiên cứu này điều tra mối liên hệ giữa các biến tại một thời điểm duy nhất.

Để khẳng định những lợi ích của việc rèn luyện thể chất, các tác giả của bài đánh giá cho rằng cần có thêm các nghiên cứu can thiệp, đây là loại nghiên cứu tiến hành theo dõi những người tham gia theo thời gian.

  • Áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean diet)

Hiện tại, không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy việc thay đổi chế độ ăn uống có thể làm chậm tốc độ lão hóa miễn dịch ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, có rất nhiều bằng chứng gián tiếp.

Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn uống giúp xác định nguy cơ mắc chứng thiểu cơ (sarcopenia) ở người lớn tuổi. Tình trạng này gây ra sự suy giảm khối lượng cơ, sức mạnh và chức năng.

Dường như có một mối liên hệ hai chiều giữa cơ xương và hệ miễn dịch. Cơ bắp tạo ra các myokine kháng viêm, nhưng bằng chứng gần đây cho thấy rằng tình trạng viêm mạn tính cũng làm tăng tốc độ mất cơ trong chứng thiểu cơ.

Sử dụng thực phẩm chức năng làm giảm nguy cơ mắc chứng thiểu cơ – chẳng hạn như vitamin D và axit béo không bão hòa đa – có thể hữu ích, nhờ vào đặc tính kháng viêm của những thành phần này.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người ăn theo chế độ Địa Trung Hải ít có nguy cơ sức khỏe suy yếu khi họ già đi, chẳng hạn như giảm sức mạnh cơ bắp, đi bộ chậm chạp và dễ mệt mỏi.

Chế độ ăn Địa Trung Hải bao gồm:

  • lượng lớn trái cây, rau và dầu ô liu
  • lượng vừa phải cá, thịt gia cầm và sữa
  • lượng ít thịt đỏ và đường bổ sung.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng chế độ ăn này làm giảm nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2 và ung thư.

Một đánh giá năm 2018 về các nghiên cứu quan sát cho thấy những người tuân thủ chặt chẽ nhất đối với chế độ ăn Địa Trung Hải có khả năng suy giảm sức khỏe trong khoảng thời gian 4 năm chưa đến một nửa so với những người ít tuân thủ chặt chẽ.

Trong số các giải thích mang tính khả thi khác, đây có thể là kết quả của các đặc tính kháng viêm của chế độ ăn này. Các tác giả cho biết:

“Những người có sức khỏe yếu có lượng chỉ dấu viêm cao hơn, và tình trạng viêm được xem là có liên quan chặt chẽ với tình trạng suy giảm sức khỏe. Chế độ ăn Địa Trung Hải có liên quan đến mức độ thấp của các chỉ dấu viêm và có thể làm giảm nguy cơ suy giảm sức khỏe thông qua cơ chế kháng viêm”.

Trong khi cơ đóng vai trò trong việc giảm viêm ở người lớn tuổi, mỡ hoặc mô mỡ có thể có tác động ngược lại.

Quá trình lão hóa tự nhiên thường dẫn đến việc tăng cân, do sự tích tụ của những mô mỡ bên dưới da và xung quanh các cơ quan nội tạng. Dựa trên tổng hợp các nghiên cứu về hệ thống miễn dịch lão hóa, mô mỡ có thể góp phần đáng kể vào tình trạng lão hóa miễn dịch.

Có đến 30% cytokine tiền viêm IL-6 trong máu có thể bắt nguồn từ mô mỡ. Do đó, tình trạng béo phì hoặc thừa cân khi về già có thể góp phần đáng kể vào chứng viêm mạn tính.

Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật và người cho thấy hệ miễn dịch của những cá thể bị béo phì có thể tạo ra ít kháng thể hơn trong đáp ứng với việc tiêm phòng cúm.

Tập thể dục và tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh dường như có khả năng chống lại tác động của tình trạng lão hóa miễn dịch. Điều này phần nào có thể là do hai yếu tố lối sống này ngăn tình trạng tăng cân quá mức.

Các nghiên cứu cho thấy rằng những người lớn tuổi khi tập thể dục thường xuyên và có trọng lượng cơ thể vừa phải có ít tế bào T già cỗi hơn cũng như lượng cytokine tiền viêm trong máu thấp hơn.

Tuy nhiên, việc liệu rằng chế độ ăn, tập thể dục và giảm cân có thể đẩy lùi tình trạng lão hóa miễn dịch hay không vẫn đang còn là một câu hỏi mở cho các nghiên cứu trong tương lai.

Nguồn: Medical News Today

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu