PRODUCT FILTER
Nhóm
Loại
Loại

Castella 90
Rx

Castella 90 chứa ticagrelor, một thành phần của nhóm hóa học cyclopentyl-triazolopyrimidine (CPTP), một thuốc dạng uống có tác động trực tiếp, đối kháng thụ thể P2Y12 chọn lọc và tương tác thuận nghịch, ngăn cản quá trình hoạt hóa và kết tập tiểu cầu phụ thuộc P2Y12, qua trung gian adenosine diphosphate (ADP).

Quy cách Hộp 30 viên, 60 viên
Hạn dùng 24 tháng
Thành phần Ticagrelor
Dạng bào chế và hàm lượng Viên nén bao phim: 90 mg
Mã sản phẩm :

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG

Chỉ định

Ticagrelor dùng đồng thời với acid acetylsalicylic (ASA) được chỉ định để phòng ngừa các biến cố huyết khối do xơ vữa động mạch ở bệnh nhân người lớn bị:

  • Hội chứng mạch vành cấp tính.
  • Có tiền sử nhồi máu cơ tim và nguy cơ cao bị huyết khối.

Liều dùng

Bệnh nhân uống ticagrelor nên dùng liều thấp acid acetylsalicylic (ASA) duy trì hàng ngày, 75 – 150 mg, trừ khi có chống chỉ định cụ thể.

  • Hội chứng mạch vành cấp tính
    Nên khởi đầu với chỉ một liều 180 mg ticagrelor (02 viên 90 mg) và sau đó duy trì với liều 90 mg x 2 lần/ngày.
    Liều ticagrelor 90 mg x 2 lần/ngày được khuyến cáo lên đến 12 tháng, trừ khi có chỉ định lâm sàng ngưng dùng ticagrelor.
  • Tiền sử nhồi máu cơ tim
    Liều khuyến cáo: Ticagrelor 60 mg x 2 lần/ngày khi cần điều trị kéo dài cho bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim ít nhất một năm và có nguy cơ cao bị biến cố huyết khối.
    Tiếp tục điều trị sau 1 năm điều trị ban đầu với liều ticagrelor 90 mg hoặc ức chế thụ thể adenosine diphosphate (ADP) để không bị gián đoạn việc điều trị này ở bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp tính có nguy cơ cao bị biến cố huyết khối.
    Có thể bắt đầu điều trị lên đến 2 năm kể từ khi bị nhồi máu cơ tim hoặc trong vòng 1 năm sau khi ngưng điều trị bằng thuốc ức chế ADP trước đó.
    Có một số dữ liệu hạn chế về hiệu quả và độ an toàn của ticagrelor sau 3 năm điều trị kéo dài.
    Nếu cần chuyển đổi, liều ticagrelor đầu tiên nên được dùng trong 24 giờ sau liều cuối cùng của thuốc chống kết tập tiểu cầu khác.
  • Khi quên dùng thuốc
    Nên tránh quên dùng thuốc khi điều trị. Trong trường hợp bệnh nhân quên 1 liều ticagrelor nên dùng chỉ 1 viên 90 mg (liều kế tiếp) vào đúng giờ thông lệ.

Các đối tượng đặc biệt

  • Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều.
  • Bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều.
  • Bệnh nhân suy gan:
    Không dùng ticagrelor trên bệnh nhân suy gan nặng.
    Không khuyến khích điều chỉnh liều nhưng cần thận trọng khi sử dụng ticagrelor ở bệnh nhân suy gan trung bình.
    Không cần điều chỉnh liều trên bệnh nhân suy gan nhẹ.
  • Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của ticagrelor ở trẻ em dưới 18 tuổi.

Cách dùng

  • Castella 90 được dùng bằng đường uống, cùng hoặc không cùng với thức ăn.
  • Đối với bệnh nhân không thể nuốt nguyên viên thuốc, có thể nghiền thành bột mịn và phân tán trong nửa ly nước rồi uống ngay lập tức. Tráng ly bằng nửa ly nước và uống hết. Hỗn dịch cũng có thể được dùng qua ống thông dạ dày (loại CH8 hay lớn hơn). Điều quan trọng là phải tráng ống thông dạ dày với nước sau khi đã dùng hỗn dịch thuốc.
  • Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Đang bị chảy máu do bệnh lý.
  • Tiền sử bị chảy máu trong sọ.
  • Suy gan nặng.
  • Dùng đồng thời ticagrelor với chất ức chế mạnh CYP3A4 (như ketoconazol, clarithromycin, nefazodon, ritonavir và atazanavir).

Rất thường gặp

  • Rối loạn xuất huyết (như tăng nguy cơ bị bầm tím, tụ máu tự phát, xuất huyết tạng);
  • Tăng acid uric huyết;
  • Khó thở.

Thường gặp

  • Gút/viêm khớp do gút;
  • Chóng mặt, ngất, đau đầu;
  • Hạ huyết áp;
  • Xuất huyết hệ hô hấp (như chảy máu cam, chảy máu);
  • Xuất huyết đường tiêu hóa (như chảy máu lợi, chảy máu trực tràng, xuất huyết vết loét dạ dày), tiêu chảy, buồn nôn, khó tiêu, táo bón;
  • Xuất huyết tại da và dưới da (như vết bầm, vết đỏ ở da, đốm xuất huyết), ngứa, phát ban;
  • Xuất huyết đường tiết niệu (như tiểu ra máu, xuất huyết do viêm bàng quang);
  • Tăng creatinine máu;
  • Xuất huyết sau thủ thuật, chảy máu vùng chấn thương (như đụng dập, tụ máu do chấn thương, xuất huyết sau chấn thương).

Nguy cơ xuất huyết

  • Nên cân bằng việc sử dụng ticagrelor ở bệnh nhân đã biết bị tăng nguy cơ chảy máu với lợi ích phòng ngừa các biến cố huyết khối do xơ vữa động mạch. Nếu được chỉ định trên lâm sàng, nên lưu ý khi dùng ticagrelor ở những nhóm bệnh nhân sau đây:
    – Bệnh nhân có xu hướng bị chảy máu (ví dụ do chấn thương gần đây, phẫu thuật gần đây, rối loạn đông máu, đang hoặc vừa bị chảy máu đường tiêu hóa). Ticagrelor chống chỉ định ở bệnh nhân đang bị chảy máu do bệnh lý, có tiền sử xuất huyết trong sọ, và bệnh nhân suy gan nặng.
    – Bệnh nhân dùng chung các thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu (như thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS), thuốc chống đông máu đường uống và/hoặc các thuốc tiêu sợi huyết) trong vòng 24 giờ trước khi dùng ticagrelor.
  • Truyền tiểu cầu không làm đảo ngược tác dụng kháng tiểu cầu của ticagrelor ở những người tình nguyện khỏe mạnh và dường như không mang lại lợi ích lâm sàng ở những bệnh nhân bị chảy máu. Vì dùng đồng thời ticagrelor với desmopressin không làm giảm thời gian chảy máu, desmopressin rất có thể không ảnh hưởng đến kiểm soát các biến cố do chảy máu trên lâm sàng.
  • Điều trị bằng thuốc chống tiêu sợi huyết (acid aminocaproic hoặc acid tranexamic) và/hoặc yếu tố tái tổ hợp VIla có thể giúp tăng cầm máu. Sau khi xác định và kiểm soát được nguyên nhân gây chảy máu có thể dùng lại ticagrelor.

Phẫu thuật

  • Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ và nha sĩ biết rằng họ đang dùng ticagrelor trước khi tiến hành bất kỳ một cuộc phẫu thuật hoặc trước khi uống bất kỳ thuốc mới nào.
  • Trong nghiên cứu PLATO trên phân nhóm bệnh nhân phẫu thuật bắc cầu mạch vành (CABG), ticagrelor gây chảy máu nhiều hơn clopidogrel khi ngưng điều trị 1 ngày trước khi phẫu thuật nhưng có cùng tỷ lệ gây chảy máu nặng so với clopidogrel sau khi ngưng thuốc trên 2 ngày trước khi phẫu thuật. Nếu bệnh nhân sắp trải qua cuộc phẫu thuật không cấp thiết và không muốn ảnh hưởng của chống kết tập tiểu cầu, nên ngưng dùng ticagrelor 5 ngày trước khi phẫu thuật.

Bênh nhân trước đây bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ

  • Bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp có tiền sử đột quỵ do thiếu máu cục bộ có thể được điều trị bằng ticagrelor đến 12 tháng (trong nghiên cứu PLATO).
  • Không khuyến cáo điều trị bằng ticagrelor trong thời gian hơn 1 năm ở bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim mà trước đây bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Suy gan

  • Chống chỉ định dùng ticagrelor ở bệnh nhân suy gan nặng.
  • Thận trọng khi sử dụng ở các bệnh nhân suy gan trung bình.

Bệnh nhân có nguy cơ bị các biến cố nhịp tim chậm

  • Theo dõi điện tâm đồ Holter cho thấy tần suất ngừng thất hầu hết không có triệu chứng tăng lên trong khi điều trị bằng ticagrelor so với clopidogrel. Bệnh nhân có nguy cơ cao bị biến cố nhịp tim chậm (như bệnh nhân bị hội chứng suy nút xoang không được đặt máy tạo nhịp, blốc nhĩ thất độ 2 hoặc 3 hoặc bị ngất liên quan đến nhịp tim chậm) đã được loại trừ khỏi các nghiên cứu chính đánh giá tính an toàn và hiệu quả của ticagrelor. Kinh nghiệm lâm sàng còn hạn chế, vì vậy nên thận trọng khi dùng ticagrelor cho những bệnh nhân này.
  • Thận trọng khi dùng ticagrelor chung với các thuốc làm chậm nhịp tim. Tuy nhiên, không có bằng chứng ghi nhận các phản ứng ngoại ý đáng kể trên lâm sàng trong thử nghiêm PLATO sau khi dùng chung với một hoặc nhiều thuốc làm chậm nhịp tim (ví dụ, 96% ca dùng chẹn bêta, 33% ca dùng thuốc chẹn kênh calci diltiazem và verapamil, và 4% ca dùng digoxin).
  • Suốt quá trình nghiên cứu trên phân nhóm bệnh nhân chạy Holter trong thử nghiệm PLATO, có nhiều bệnh nhân ngưng thất trên 3 giây khi dùng ticagrelor hơn so với clopidogrel trong giai đoạn cấp của Hội chứng mạch vành cấp. Sự gia tăng số ca ngưng thất xác định bằng Holter khi dùng ticagrelor cao hơn ở nhóm bệnh nhân suy tim sung huyết so với tổng dân số nghiên cứu trong giai đoạn cấp của hội chứng mạch vành cấp, mà không xảy ra trên nhóm dùng ticagrelor trong một tháng hoặc khi so sánh với clopidogrel. Không có hậu quả lâm sàng ngoại ý nào liên quan đến sự mất cân bằng này (bao gồm ngất hoặc đặt máy tạo nhịp) ở nhóm bệnh nhân này.

Khó thở

  • Khó thở được ghi nhận ở các bệnh nhân điều trị với ticagrelor. Triệu chứng này thông thường ở mức độ từ nhẹ đến trung bình và tự hồi phục mà không cần ngưng điều trị. Bệnh nhân hen suyễn/bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể tăng nguy cơ bị khó thở khi dùng ticagrelor. Phải thận trọng khi dùng ticagrelor cho bệnh nhân có tiền sử bị hen suyễn và/hoặc COPD. Cơ chế vẫn chưa được làm rõ. Nếu bệnh nhân báo cáo bị cơn khó thở mới, kéo dài hoặc nặng lên, phải theo dõi kỹ và nếu không dung nạp được nữa, phải ngưng dùng ticagrelor.

Tăng creatinine

  • Nồng độ creatinine có thể tăng khi điều trị với ticagrelor. Nên kiểm tra chức năng thận theo thực hành y khoa thường quy. Ở bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp, nên kiểm tra chức năng thận sau một tháng sau khi khởi đầu điều trị với ticagrelor và sau đó căn cứ vào thực hành y khoa thường quy, lưu ý đặc biệt đến bệnh nhân ≥ 75 tuổi, bệnh nhân suy thận vừa/nặng và những bệnh nhân đang điều trị đồng thời với một thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB).

Tăng acid uric

  • Có thể tăng acid uric huyết trong quá trình điều trị với ticagrelor. Nên thận trọng khi dùng ticagrelor cho bệnh nhân có tiền sử tăng acid uric máu hoặc bệnh viêm khớp do gout. Không nên sử dụng ticagrelor cho bệnh nhân bị bệnh thận do acid uric.

Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP) đã được báo cáo rất hiếm gặp khi sử dụng ticagrelor. Nó được đặc trưng bởi giảm tiểu cầu và thiếu máu tan máu vi thể liên quan đến các phát hiện thần kinh, rối loạn chức năng thận hoặc sốt. TTP là một tình trạng có khả năng gây tử vong, cần được điều trị kịp thời bao gồm cả phương pháp điện di.

Can thiệp vào các xét nghiệm chức năng tiểu cầu để chẩn đoán giảm tiểu cầu do heparin (HIT)

  • Trong xét nghiệm kích hoạt tiểu cầu do heparin cảm ứng (HIPA) được sử dụng để chẩn đoán HIT, kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu/heparin trong huyết thanh bệnh nhân sẽ kích hoạt tiểu cầu của người cho khỏe mạnh khi có heparin.
  • Kết quả âm tính giả trong xét nghiệm chức năng tiểu cầu (bao gồm, nhưng có thể không giới hạn ở xét nghiệm HIPA) đối với HIT đã được báo cáo ở những bệnh nhân dùng ticagrelor. Điều này liên quan đến sự ức chế thụ thể P2Y12 trên tiểu cầu của người hiến tặng khỏe mạnh trong xét nghiệm bằng ticagrelor trong huyết thanh/ huyết tương của bệnh nhân. Cần có thông tin về điều trị đồng thời với ticagrelor để giải thích các xét nghiệm chức năng tiểu cầu HIT.
  • Ở những bệnh nhân đã phát triển HIT, nên đánh giá lợi ích – nguy cơ của việc tiếp tục điều trị bằng ticagrelor, cân nhắc cả tình trạng huyết khối của HIT và nguy cơ chảy máu tăng khi điều trị đồng thời với thuốc chống đông.

Khác

  • Khuyến cáo không dùng đồng thời ticagrelor với liều duy trì cao ASA (> 300 mg).
  • Việc đột ngột ngưng bất kỳ liệu pháp kháng tiểu cầu, bao gồm cả ticagrelor, có thể dẫn đến tăng nguy cơ tim mạch (CV), tử vong hoặc nhồi máu cơ tim do các bệnh lý sẵn có của bệnh nhân. Do đó, tránh ngừng điều trị đột ngột.
  • Phụ nữ có khả năng mang thai nên dùng các biện pháp tránh thai thích hợp suốt thời gian dùng ticagrelor.
  • Khuyến cáo không dùng ticagrelor trong thời kỳ mang thai.
  • Đối với phụ nữ cho con bú: Cần quyết định liệu có nên ngưng cho con bú hoặc ngưng/tránh dùng ticagrelor khi cân nhắc kỹ giữa lợi ích cho con bú và lợi ích khi điều trị cho bà mẹ.
  • Đã có báo cáo chóng mặt và nhầm lẫn trong quá trình điều trị với ticagrelor. Vì thế, bệnh nhân gặp phải các triệu chứng này cần thận trọng khi lái xe hay vận hành máy móc.