Các loại mỡ trong cơ thể: lợi ích, nguy cơ và những thông tin khác

“Mỡ” là một khái niệm chung được sử dụng rộng rãi để chỉ tất cả lượng mỡ trong cơ thể, nhưng trên thực tế, có một số loại mỡ khác nhau trong cơ thể bạn.

Một số loại mỡ có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn và góp phần gây ra bệnh tật. Những loại khác lại có lợi và cần thiết cho sức khỏe.

Các loại chính của tế bào mỡ bao gồm mỡ màu trắng, nâu và be. Chúng có thể được lưu trữ dưới dạng mỡ thiết yếu, mỡ dưới da hoặc mỡ nội tạng.

Mỗi loại mỡ thực hiện một vai trò khác nhau. Một số loại thúc đẩy quá trình trao đổi chất và duy trì lượng hormone hợp lý, trong khi những loại khác góp phần gây ra các bệnh lý có khả năng đe dọa tính mạng, bao gồm:

  • bệnh tiểu đường tuýp 2
  • bệnh tim mạch
  • huyết áp cao
  • ung thư.

Hãy cùng tìm hiểu thêm về các loại mỡ khác nhau trong cơ thể.

Mỡ trắng (White fat)

Mỡ trắng là loại mỡ mà hầu hết mọi người đều nghĩ ngay đến.

Loại mỡ này được tạo thành từ các tế bào lớn, màu trắng, được tích trữ dưới da và tập trung ở vùng cánh tay, mông, đùi, hoặc xung quanh các cơ quan ở bụng. Các tế bào mỡ trắng là cách cơ thể dự trữ năng lượng để sử dụng sau này.

Loại mỡ này cũng đóng một vai trò lớn trong chức năng của các hormone như:

  • estrogen
  • leptin (một trong những hormone kích thích cảm giác đói)
  • insulin
  • cortisol (hormone căng thẳng)
  • hormone tăng trưởng.

Trong khi một lượng mỡ trắng nhất định là cần thiết cho sức khỏe, quá nhiều thành phần mỡ này lại vô cùng có hại.

Tỷ lệ % hợp lý của mỡ cơ thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ tập thể dục hoặc hoạt động thể chất của một người. Theo Hội đồng Thể dục Hoa Kỳ, nam giới không phải là vận động viên nên có tỷ lệ tổng lượng mỡ cơ thể trong khoảng 14 – 24%, trong khi ở phụ nữ không phải là vận động viên, con số này nên nằm trong khoảng 21 – 31%.

Tỷ lệ % mỡ cơ thể cao hơn mức khuyến nghị có thể khiến bạn có nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe sau:

  • bệnh tiểu đường tuýp 2
  • bệnh động mạch vành
  • huyết áp cao
  • đột quỵ
  • mất cân bằng hormone
  • biến chứng thai kỳ
  • bệnh thận
  • bệnh gan
  • ung thư.

Mỡ nâu (White fat)

Mỡ nâu là loại mỡ được tìm thấy chủ yếu ở trẻ sơ sinh, mặc dù người trưởng thành vẫn giữ lại một lượng rất nhỏ loại mỡ này, cụ thể là ở cổ và vai.

Mỡ nâu đốt cháy các acid béo để giữ ấm cho cơ thể. Các nhà nghiên cứu quan tâm đến việc tìm ra cách kích thích hoạt động của mỡ nâu để giúp ngăn ngừa béo phì.

Mỡ màu be (Beige fat)

Mỡ màu be à một chủ đề nghiên cứu tương đối mới. Các tế bào mỡ này có chức năng đâu đó giữa các tế bào mỡ nâu và mỡ trắng. Tương tự như mỡ nâu, các tế bào mỡ màu be có thể giúp đốt cháy hơn là tích trữ mỡ.

Người ta cho rằng một số hormone và enzyme nhất định được giải phóng khi bạn gặp căng thẳng, lạnh hoặc khi bạn tập thể dục, có thể giúp chuyển đổi mỡ trắng thành mỡ màu be.

Đây là một lĩnh vực nghiên cứu thú vị để có thể giúp ngăn ngừa béo phì và tối đa hóa lượng mỡ tốt trong cơ thể.

Mỡ thiết yếu (Essential fat)

Đúng như tên gọi của nó, đây là thành phần mỡ cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh. Mỡ này được tìm thấy trong:

  • não
  • tủy xương
  • dây thần kinh
  • màng bảo vệ các cơ quan trong cơ thể.

Mỡ thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa hormone (bao gồm cả các hormone kiểm soát khả năng sinh sản), hấp thu vitamin và điều hòa thân nhiệt.

Theo Hội đồng Thể dục Hoa Kỳ, phụ nữ cần ít nhất 10 – 13% thành phần cơ thể đến từ mỡ thiết yếu để có sức khỏe tốt, trong khi nam giới cần ít nhất từ ​​2 – 5%.

Mỡ dưới da (Subcutaneous fat)

Khái niệm này đề cập đến mỡ được tích trữ dưới da. Đó là sự kết hợp của các tế bào mỡ màu nâu, màu be và màu trắng.

Phần lớn mỡ trong cơ thể của chúng ta là mỡ dưới da. Đó là loại mỡ mà bạn có thể bóp hoặc nắn ở vùng cánh tay, bụng, đùi và mông.

Các chuyên gia thể hình sử dụng loại thước kẹp để đo lượng mỡ dưới da như một cách ước tính tổng % mỡ cơ thể.

Việc có một lượng mỡ dưới da nhất định là điều bình thường và cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh, tuy nhiên, quá nhiều thành phần mỡ này có thể dẫn đến mất cân bằng nồng độ và độ nhạy cảm hormone.

Mỡ nội tạng (Visceral fat)

Mỡ nội tạng, còn được gọi là “mỡ bụng”, là thành phần mỡ trắng được tích trữ trong bụng và xung quanh tất cả các cơ quan chính, chẳng hạn như gan, thận, tuyến tụy, ruột và tim.

Lượng mỡ nội tạng cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, đột quỵ, bệnh động mạch và một số bệnh ung thư.

Những lợi ích mà mỡ cung cấp cho cơ thể

Thành phần cấu tạo cơ thể rất quan trọng. Cơ thể sẽ hoạt động tốt nhất nếu có tỷ lệ mỡ toàn phần thích hợp. Việc có được một tỷ lệ mỡ cơ thể tối ưu sẽ mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như:

  • điều hòa thân nhiệt
  • lượng hormone cân bằng
  • sức khỏe sinh sản tốt hơn
  • lượng vitamin tích trữ đầy đủ
  • chức năng thần kinh tốt
  • sự trao đổi chất khỏe mạnh
  • đường huyết cân bằng.

Nguy cơ mà mỡ cơ thể mang lại

Việc có quá nhiều mỡ trắng, đặc biệt là mỡ nội tạng, có thể gây hại cho sức khỏe. Mỡ nội tạng có thể làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe/ bệnh lý sau:

  • bệnh tim
  • đột quỵ
  • bệnh động mạch vành
  • xơ vữa động mạch
  • biến chứng thai kỳ
  • bệnh tiểu đường tuýp 2
  • rối loạn hormone
  • một số bệnh ung thư.

Tỷ lệ % mỡ cơ thể

Thành phần của cơ thể có thể được đo bằng một số phương pháp.

Một phương pháp phổ biến để ước tính tỷ lệ % mỡ cơ thể là đo bề dày nếp gấp da. Trong kỹ thuật này, một loại thước kẹp (calipers) được sử dụng để kẹp và đo bề dày các nếp gấp của da vùng cánh tay, eo và đùi, từ đó ước tính tỷ lệ % tổng lượng mỡ trong cơ thể. Phương pháp này chủ yếu đo lường lượng mỡ dưới da.

Một phương pháp khác là đo chuyển vị không khí với việc sử dụng một thiết bị gọi là Bod Pod. Trong quá trình đo lường, tỷ lệ trọng lượng trên thể tích cơ thể được đo để xác định tỷ lệ % tổng lượng mỡ. Về mặt lý thuyết, phương pháp này đo lường tất cả các loại mỡ có trong cơ thể.

Phân tích trở kháng điện sinh học (BIA) là một phương pháp khác để xác định tỷ lệ % mỡ cơ thể. Phương pháp này thường được sử dụng trong các cơ sở huấn luyện thể thao. Việc đo lường được thực hiện bằng cách đứng lên một thiết bị sử dụng dòng điện để đo lượng nạc và lượng mỡ trong cơ thể.

Việc đo lường chỉ số khối cơ thể (BMI) và vòng eo cũng có thể hữu ích. Mặc dù không cung cấp con số cụ thể về tỷ lệ % mỡ cơ thể, các chỉ số này cung cấp ước tính dựa trên chiều cao và cân nặng.

BMI được tính toán dựa trên tỷ lệ giữa cân nặng và chiều cao, trong khi vòng eo là số đo phần nhỏ nhất của eo.

Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH) Hoa Kỳ, chỉ số BMI > 25 được xem là thừa cân, trong khi BMI > 30 được xem là béo phì.

Vòng eo lớn hơn 89 cm ở phụ nữ và 102 cm ở nam giới được xem là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bởi vì chỉ số vòng eo tăng lên có thể cho thấy sự hiện diện của mỡ nội tạng.

Chế độ ăn và mỡ cơ thể

Một mặc định phổ biến là chế độ ăn chứa nhiều chất béo là nguyên nhân khiến một người có quá nhiều mỡ trong cơ thể. Điều này chỉ đúng một phần. Mặc dù chất béo có hàm lượng calo cao hơn so với carbohydrate hoặc protein, mọi người vẫn cần một lượng chất béo nhất định để có sức khỏe tốt.

Thực phẩm chế biến, tinh chế chứa nhiều carbohydrate và ít chất xơ cũng có thể gây tăng cân. Những người có chế độ ăn với nhiều đường tinh luyện và thực phẩm chế biến sẵn thường dễ bị tình trạng mỡ nội tạng, điều này nguy hiểm hơn so với mỡ dưới da, bởi vì mỡ nội tạng chính là yếu tố dự báo sự xuất hiện bệnh tật trong tương lai.

Lượng calo cung cấp nếu thừa so với nhu cầu của cơ thể sẽ được tích trữ dưới dạng mỡ dự trữ. Xét về khía cạnh tăng hoặc giảm cân, tổng lượng calo bạn nạp vào cơ thể so với lượng calo cơ thể đốt cháy hàng ngày mới là điều quan trọng hơn so với việc lượng calo cung cấp cho cơ thể đến từ chất béo, carbohydrate hay protein.

Hầu hết các chuyên gia khuyến nghị một chế độ ăn giàu protein, carbohydrate phức tạp và chất xơ với khẩu phần ăn vừa phải. Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ hiệu quả nhất khi kết hợp với một chương trình tập luyện thể dục thường xuyên.

Tập luyện sức mạnh (strength training) đặc biệt có hiệu quả trong việc tăng cường trao đổi chất, xây dựng khối cơ nạc và ngăn ngừa tăng mỡ về lâu dài.

Tóm lại

Có 3 loại tế bào mỡ khác nhau trong cơ thể: mỡ trắng, mỡ nâu và mỡ màu be. Các tế bào mỡ có thể được lưu trữ theo 3 cách: mỡ thiết yếu, mỡ dưới da hoặc mỡ nội tạng.

Mỡ thiết yếu cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh và vận hành tốt. Mỡ dưới da chiếm phần lớn lượng mỡ trong cơ thể. Đây là hình thức cơ thể dự trữ năng lượng để sử dụng sau này.

Mỡ nội tạng được tìm thấy ở vùng bụng tại các cơ quan chính. Với lượng lớn, loại mỡ này có thể rất nguy hiểm. Tỷ lệ mỡ cơ thể cao – và đặc biệt là với sự hiện diện của mỡ nội tạng – có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh.

Để thúc đẩy quá trình giảm cân hoặc ngăn ngừa tăng cân, hãy đảm bảo nạp vào cơ thể lượng calo bằng hoặc ít hơn lượng calo mà cơ thể đốt cháy. Chế độ ăn giàu protein kết hợp với tập thể dục thường xuyên đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn ngừa tích trữ mỡ nội tạng.

Nguồn: Health Line

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu