Cách mà tai nghe có thể gây hại cho thính giác của bạn theo thời gian

Điều này không chỉ là về âm lượng. Khoảng thời gian bạn dành mỗi ngày để nghe qua các loại tai nghe (tai nghe dạng chụp tai, dạng nhét vào tai) cũng có thể góp phần làm suy giảm thính lực sau này.

Mở to âm lượng khi bạn nghe nhạc hoặc podcast qua tai nghe có thể là cách yêu thích của bạn để tận hưởng và đắm chìm trong giai điệu hoặc những câu chuyện. Tuy nhiên, điều có thể gây hại cho thính lực của bạn.

Theo phân tích gần đây, mức độ tiếng ồn cao có thể ảnh hưởng đến sự suy giảm thính lực trong tương lai.

Trẻ em, thanh thiếu niên và những người trẻ đặc biệt có nguy cơ cao nếu họ thường nghe nhạc nhiều giờ mỗi ngày với âm lượng vượt quá giới hạn tiếp xúc với tiếng ồn giải trí trung bình mỗi ngày là 70 decibel, theo khuyến nghị của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng khoảng 50% những người trong độ tuổi từ 12 – 35 có nguy cơ bị giảm thính lực do tiếp xúc quá nhiều với âm thanh lớn, chẳng hạn như nhạc nghe qua các thiết bị âm thanh cá nhân.

Tiến sĩ Daniel Fink – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Quiet Coalition cho biết: “Tôi nghĩ ở một mức độ rộng, đội ngũ nhân viên y tế và thính học, cũng như người dân nói chung, không hiểu rằng suy giảm thính lực đáng kể không phải là một phần của quá trình lão hóa bình thường, mà phần lớn là suy giảm thính lực do tiếng ồn”.

Ông so sánh sự lầm tưởng này với quan niệm sai lầm rằng các nếp nhăn và sắc tố da là một phần của quá trình lão hóa bình thường, trong khi chúng lại đại diện chủ yếu cho tác hại của ánh nắng mặt trời hoặc tia cực tím.

Theo Tiến sĩ Fink: “Tương tự như vậy, nếu không tiếp xúc với tiếng ồn lớn, chúng ta sẽ có thể nghe tốt khi về già, một điều thường không có trong các xã hội công nghiệp hóa”.

Những ảnh hưởng đến sức khỏe từ suy giảm thính lực

Tiến sĩ Fink và nhà thính học Jan Mayes đã xem xét và tích hợp thông tin từ nhiều bài báo trong nhiều lĩnh vực để đưa ra kết luận về việc sử dụng thiết âm thanh cá nhân.

Một điều quan trọng rút ra là những người sử dụng thiết bị âm thanh cá nhân (còn được gọi là thiết bị nghe cá nhân hoặc máy nghe nhạc) được liên kết với tai nghe – để có thể nghe thấy nội dung mà không làm phiền người khác – đang làm tổn hại thính giác của mình.

Tiến sĩ Fink nói: “Đặc biệt đối với những người trẻ tuổi, việc sử dụng thiết bị âm thanh cá nhân là nguồn gốc chính của việc tiếp xúc tiếng ồn giải trí. Khi họ bước vào tuổi trung niên, có thể là vào nửa đầu những năm 40 tuổi, họ sẽ gặp khó khăn trong việc nghe như ông bà của họ bây giờ ở độ tuổi 70 và 80”.

Ngoài việc mất đi một số khả năng giao tiếp, suy giảm thính lực còn liên quan đến sự suy giảm nhận thức.

Theo một nghiên cứu năm 2011, so với những người không bị suy giảm thính lực, những người bị suy giảm thính lực có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ, cụ thể như sau:

  • những người bị suy giảm thính lực nhẹ có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ tăng gần gấp đôi
  • những người bị suy giảm thính lực trung bình có nguy cơ cao gấp ba lần
  • những người bị suy giảm thính lực nghiêm trọng có nguy cơ cao gấp 5 lần.

Tiến sĩ Mary L. Carson – nhà thính học lâm sàng, cho biết nghiên cứu cũng chỉ ra rằng theo thời gian, những người bị suy giảm thính lực không được điều trị sẽ có nguy cơ cao bị sa sút trí tuệ.

Bà cho biết thêm rằng có một số nghiên cứu đầy hứa hẹn cho thấy việc điều trị suy giảm thính lực bằng máy trợ thính giúp giảm nguy cơ suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.

Bà nói: “Tuy nhiên, như ông bà ta thường nói ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’, việc bắt đầu thói quen tốt hơn cho thính giác ngay từ bây giờ có thể là một ‘khoản đầu tư’ cho sức khỏe lâu dài, không chỉ bằng cách ngăn ngừa suy giảm thính lực mà còn giảm nguy cơ mắc suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ khi bạn già đi”.

Cách thiết lập giới hạn tiếng ồn phù hợp

Theo Tiến sĩ Carson, suy giảm thính lực do tiếp xúc với tiếng ồn có thể xuất hiện sau một lần tiếp xúc với tiếng ồn cường độ rất lớn, hoặc thường xuyên hơn, phát triển dần theo thời gian với các thói quen xấu cho thính giác.

Bà nói: “Chúng ta đang sống trong một thế giới vời nhiều tiếng ồn và nhiều người đang liên tục tiếp xúc với mức độ tiếng ồn không an toàn, từ đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của họ. Trong quá trình hành nghề, gần đây chúng tôi đã chứng kiến ​​một thanh niên bị thủng màng nhĩ do nghe nhạc quá lớn bằng tai nghe”.

Dưới đây là những cách để giữ cho đôi tai của bạn được an toàn:

1. Giữ âm thanh ở mức 70 dBA

NIH giải thích rằng âm thanh được đo bằng đơn vị gọi là decibel và nêu rõ: “Âm thanh bằng hoặc dưới 70 decibel có trọng số A (dBA), ngay cả sau khi tiếp xúc lâu, không có khả năng gây suy giảm thính lực. Tuy nhiên, việc tiếp xúc lâu dài hoặc lặp đi lặp lại với âm thanh ở mức 85 dBA trở lên có thể gây suy giảm thính lực ”.

Tiến sĩ Fink nói: “Một chỉ số thô rất tốt cho việc ước tính là nếu một người phải cố gắng để nói hoặc để được người khác nghe thấy trong khi có tiếng ồn xung quanh, thì đó là khoảng trên 75 decibel”.

Đối với các thiết bị, khó để biết mức decibel của âm thanh là bao nhiêu, vì vậy ông ấy khuyên bạn nên sử dụng thiết bị ở mức âm lượng 50% (so với tối đa), cũng như giảm đi thời gian nghe.

Tiến sĩ Carson chỉ ra rằng thường có các tùy chọn an toàn cho việc sử dụng tai nghe, nhưng ngay cả những tùy chọn này vẫn cần có sự giám sát của người sử dụng.

Chẳng hạn, trên iPhone, hãy sử dụng ứng dụng ‘Hearing’ trong Control Center để kiểm tra mức âm thanh trong tai nghe. Tiến sĩ Carson cho biết: “Trong ứng dụng này, bạn có thể xem mức độ nghe trung bình và theo dõi để đảm bảo rằng bạn đang duy trì mức trung bình được khuyến nghị là 70 dBA”.

Tai nghe giới hạn âm lượng cho trẻ em là một lựa chọn khác, Tiến sĩ Carson cho biết chúng thường có giới hạn âm lượng được thiết lập ở khoảng 85 dBA và vẫn yêu cầu sự giám sát của cha mẹ về thời gian sử dụng và cài đặt âm lượng.

Tiến sĩ Fink lưu ý rằng tai nghe dành cho trẻ em sử dụng giới hạn âm lượng 85 dBA an toàn hơn tai nghe không có giới hạn âm lượng, tuy nhiên, chúng vẫn không an toàn cho thính giác.

Ông nói: “Suy giảm thính lực đặc biệt có tác động xấu đối với trẻ em và thanh thiếu niên vì các đối tượng này cần có khả năng nghe để có thể học hỏi, giao tiếp xã hội và sự suy giảm thính lực sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội, thành công trong giáo dục cũng như những thành tựu sau này”.

2. Sử dụng ứng dụng đo mức âm thanh

Có rất nhiều ứng dụng đo mức âm thanh miễn phí hoặc giá rẻ, giúp xác định mức độ ồn ào của môi trường xung quanh bạn.

Viện Quốc gia về Sức khỏe và An toàn Nghề nghiệp (NIOSH) cung cấp một ứng dụng miễn phí.

Tiếb sĩ Fink cho biết: “Ứng dụng đo âm thanh trên điện thoại thông minh sẽ giúp một người biết được âm thanh nào quá lớn”.

3. Mang thiết bị bảo vệ thính giác

Có nhiều loại thiết bị bảo vệ thính giác được thiết kế để bảo vệ bạn khỏi tiếng ồn xung quanh.

Chẳng hạn, Tiến sĩ Carson cho biết thiết bị bảo vệ thính giác dành cho nhạc sĩ có thể giúp duy trì chất lượng của nhạc trong khi vẫn bảo vệ an toàn cho thính giác của bạn.

Bà nói: “Thiết bị bảo vệ thính giác có nhiều loại – chụp tai, nút bịt tai, nút bịt tai không tùy chỉnh có thể tái sử dụng và thiết bị bảo vệ thính giác tùy chỉnh phù hợp. Hãy tham khảo chuyên gia về thính giác để được hỗ trợ tìm ra biện pháp bảo vệ tốt nhất cho mục đích sử dụng của bạn”.

4. Nắm bắt các dấu hiệu cảnh báo về suy giảm thính lực

Tiến sĩ Carson giải thích, các dấu hiệu đầu tiên phổ biến nhất của suy giảm thính giác bao gồm khó nghe trong môi trường ồn ào và cảm giác như bạn đang nghe thấy mọi người nói nhưng lại không thể hiểu những gì họ đang nói.

Bà cho biết ù tai cũng thường là dấu hiệu ban đầu cho thấy hệ thống thính giác bị tổn thương và là dấu hiệu cảnh báo của suy giảm thính lực.

5. Kiểm tra thính lực thường xuyên

Nếu bạn trên 50 tuổi hoặc tiếp xúc với tiếng ồn ở mức độ không an toàn, Tiến sĩ Carson khuyên bạn nên kiểm tra thính lực hàng năm.

Bà nói: “Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong thính giác của mình hay có tình trạng ù tai mới xuất hiện hoặc trầm trọng hơn, bạn nên đi kiểm tra thính lực ngay lập tức”.

Nguồn: HealthLine

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu