Chân bị sưng phù: Nguyên nhân và Cách điều trị

Gần đây bạn có để ý rằng tất (vớ) của bạn bị chật và quần có cảm giác ôm khít không? Chân của bạn sưng lên vì hai lý do chính:

  • Tích tụ chất lỏng (phù nề – edema): Tình trạng này xảy ra khi các mô hoặc mạch máu ở chân của bạn chứa nhiều chất lỏng hơn bình thường. Điều này có thể đơn giản chỉ là do bạn phải đứng cả một ngày dài hoặc ngồi quá lâu. Nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang thừa cân hoặc không tập thể dục đủ, hoặc là dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn.
  • Viêm: Viêm xảy ra khi các mô ở chân bị tác động và sưng lên. Đó là đáp ứng tự nhiên nếu một người bị gãy xương hoặc rách/ đứt gân hoặc dây chằng, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý viêm nghiêm trọng hơn, như viêm khớp chẳng hạn.

NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY RA SỰ TÍCH TỤ CHẤT LỎNG

Một số điều có thể dẫn đến tăng lượng chất lỏng tích tụ hoặc phù nề ở một hoặc cả hai chân:

1. Suy tim sung huyết (Congestive heart failure): Tình trạng này xảy ra khi tim quá yếu để bơm tất cả lượng máu mà cơ thể cần. Từ đó dẫn đến sự tích tụ chất lỏng, đặc biệt là ở chân. Các triệu chứng khác của suy tim sung huyết:

  • Khó thở
  • Mệt mỏi
  • Ho.

2. Các vấn đề về tĩnh mạch

  • Huyết khối tĩnh mạch sâu (deep vein thrombosis – DVT) và viêm tĩnh mạch huyết khối (thrombophlebitis): Nếu bạn bị DVT, điều đó có nghĩa là có một cục máu đông trong tĩnh mạch ở chân của bạn. Nó có thể vỡ ra và di chuyển đến phổi, dẫn đến tình trạng thuyên tắc phổi (pulmonary embolism) và có thể đe dọa tính mạng.

Trong tình trạng viêm tĩnh mạch huyết khối (còn được gọi là viêm tĩnh mạch huyết khối nông), các cục máu đông hình thành gần bề mặt da hơn và không có khả năng vỡ ra.

Một trong những triệu chứng đầu tiên của DVT hoặc viêm tĩnh mạch huyết khối là một bên chân (đặc biệt là bắp chân) bị sưng lên như những khối tụ máu ở khu vực này. Hãy đi thăm khám ngay lập tức nếu bạn bị sưng ở một chân hoặc có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Đau chân, đau khi chạm vào, hoặc chuột rút
  • Da nhuốm màu đỏ hoặc xanh
  • Cảm giác nóng da.
  • Giãn tĩnh mạch (varicose veins) và suy tĩnh mạch mạn tính (chronic venous insufficiency): Bạn mắc phải những tình trạng này khi các van bên trong tĩnh mạch chân không cho máu chảy về tim. Thay vào đó, chúng giữ lại và khiến máu tích tụ thành từng mảng, tạo ra các đám giãn tĩnh mạch màu xanh lam trên da. Đôi khi, chúng có thể khiến chân bị sưng tấy.

Một số triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Đau sau khi ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài
  • Thay đổi màu da – bạn có thể nhìn thấy các đám tĩnh mạch màu đỏ hoặc tím hoặc da ở cẳng chân có thể trông thấy màu nâu
  • Da khô, kích ứng, nứt nẻ
  • Đau khi chạm vào
  • Chân đau dai dẳng.

3. Các vấn đề về thận

  • Bệnh thận mạn tính, kéo dài: tình trạng khi thận không hoạt động như bình thường. Thay vì lọc nước và chất thải ra khỏi máu, chất lỏng sẽ tích tụ trong cơ thể, từ đó gây sưng phù ở tay và chân.

Bạn cũng có thể nhận thấy các triệu chứng như sau:

  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Buồn nôn
  • Khát nhiều
  • Bầm tím và chảy máu.
  • Suy thận cấp: Khi thận đột ngột ngừng hoạt động, có thể gây ra sưng chân, mắt cá chân và bàn chân. Nhưng tình trạng này thường xảy ra khi một người nhập viện vì các vấn đề khác.

4. Thuốc

Đôi khi, sưng phù có thể là một tác dụng phụ, không mong muốn của một số thuốc kê đơn. Các loại thuốc có nhiều khả năng gây phù chân bao gồm:

  • Thuốc chẹn kênh canxi:
  • Amlodipine (Norvasc)
  • Nifedipine (Adalat CC, Afeditab CR, Nifediac CC, Nifedical XL, Procardia).
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), như:
  • Aspirin
  • Ibuprofen
  • Naproxen
  • Celecoxib (Celebrex).
  • Một số loại thuốc tiểu đường, bao gồm metformin
  • Thuốc nội tiết tố có chứa estrogen hoặc progesterone
  • Một số thuốc chống trầm cảm.

Hãy báo với bác sĩ nếu bạn dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này và bị sưng phù chi dưới.

5. Thai kỳ

Vào ba tháng cuối của thai kỳ, thai nhi tăng kích thước gây áp lực lên các tĩnh mạch ở chân. Điều này làm chậm quá trình lưu thông máu và khiến chất lỏng tích tụ và kết quả là chân bị sưng phù nhẹ.

Nếu bạn cũng nhận thấy những triệu chứng khác được liệt kê dưới đây, hãy báo cho bác sĩ vì điều đó có thể đồng nghĩa với việc bạn đang mắc một tình trạng nghiêm trọng được gọi là tiền sản giật (preeclampsia):

  • Sưng phù nghiêm trọng, đặc biệt là xung quanh mắt
  • Đau đầu dữ dội
  • Thay đổi thị lực, như nhìn mờ hoặc nhạy cảm với ánh sáng.

Nếu trong ba tháng cuối thai kỳ hoặc ngay sau khi sinh, bạn bị sưng chân và khó thở, hãy nói chuyện với bác sĩ về một tình trạng gọi là bệnh cơ tim chu sản (peripartum cardiomyopathy) – một loại suy tim liên quan đến mang thai.

NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY RA TÌNH TRẠNG VIÊM

Nếu sự tích tụ chất lỏng không phải là nguyên nhân khiến chân bạn bị sưng phù, thì đó có thể là do tình trạng viêm. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

1. Viêm khớp và các vấn đề về khớp khác

Một số bệnh và tình trạng có thể khiến chân bạn bị sưng phù:

  • Bệnh gút (gout): Một cơn đau đột ngột gây ra bởi các tinh thể axit uric trong khớp, thường xảy ra sau khi bạn uống nhiều rượu hoặc ăn nhiều thức ăn giàu purine.
  • Viêm bao hoạt dịch đầu gối (knee bursitis): Đây là tình trạng viêm ở bao hoạt dịch – một túi chứa đầy chất lỏng hoạt động như một lớp đệm giữa xương và cơ, da hoặc gân.
  • Viêm thoái hóa khớp (osteoarthritis): Tình trạng lớp sụn khớp bị mòn và thoái hoá.
  • Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis): Bệnh lý mà hệ thống miễn dịch của một người tấn công các mô trong chính khớp của người đó.

2. Thương tích – Trật xương, bong gân và gãy xương

Nếu bạn bị trật mắt cá chân hoặc gãy xương, chân bạn có thể bị sưng tấy. Đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với chấn thương. Chất lỏng và các tế bào bạch cầu di chuyển vào khu vực này, đồng thời các chất hóa học được giải phóng giúp bạn lành thương.

Một số chấn thương phổ biến nhất:

  • Đứt gân gót chân Achilles: Đây là gân lớn nhất của cơ thể. Nó kết nối cơ bắp chân với xương gót chân. Gân này giúp bạn đi, chạy và nhảy. Nếu nó bị đứt, bạn có thể nghe thấy âm thanh, sau đó cảm thấy đau nhói ở phần sau của mắt cá chân và cẳng chân. Bạn có thể sẽ không thể đi được.
  • Rách dây chằng chéo trước (ACL): ACL chạy theo đường chéo phía trước đầu gối và giữ cố định vị trí các xương cẳng chân. Khi ACL bị rách, bạn sẽ nghe thấy âm thanh và đầu gối của bạn có thể không hoạt động bình thường được nữa. Đầu gối cũng sẽ đau và sưng lên.
  • Viêm mô tế bào (cellulitis): Tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng này xảy ra khi vi khuẩn như liên cầu và tụ cầu xâm nhập qua vết nứt trên da. Nó phổ biến nhất ở cẳng chân. Các triệu chứng khác bao gồm:
  • Vùng da tấy đỏ trở nên lớn hơn
  • Đau khi chạm vào
  • Đau đớn
  • Cảm giác nóng da
  • Sốt
  • Nốt đỏ
  • Phồng rộp
  • Da có những nốt lõm như lúm đồng tiền.

Viêm mô tế bào có thể lây lan khắp cơ thể một cách nhanh chóng.

  • Tình trạng hiễm trùng hoặc vết thương: Bất cứ khi nào bạn bị vết cắt trên da, trầy xước hoặc vết thương nghiêm trọng hơn, cơ thể bạn sẽ đổ dịch và bạch cầu đến khu vực đó. Điều này gây ra tình trạng sưng tấy. Hãy đi thăm khám nếu tình trạng này kéo dài hơn 2 – 3 tuần.

Nếu vết thương bị nhiễm trùng, bạn có thể bị sưng tấy nhiều hơn. Tình trạng sưng tấy là bình thường trong một vài ngày. Tình trạng sưng này thường nhiều nhất vào khoảng ngày thứ 2 và bắt đầu cải thiện dần. Nếu bạn bị tiểu đường hoặc một bệnh lý khác ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, hãy đi thăm khám nhé!

BẠN NÊN LÀM GÌ NẾU CHÂN BỊ SƯNG PHÙ?

Bạn có thể thử các biện pháp khắc phục tại nhà như sau để giảm tình trạng sưng:

  • Cắt giảm thức ăn mặn (nhiều muối)
  • Mang vớ chống suy giãn tĩnh mạch (vớ ép chân – compression stockings)
  • Tập thể dục mỗi ngày
  • Trên những chuyến xe dài, hãy thay đổi tư thế và dừng nghỉ thường xuyên nếu có thể
  • Khi đi máy bay, hãy đứng dậy khỏi chỗ ngồi và di chuyển càng nhiều càng tốt
  • Nâng cao chân trên mức tim của bạn trong nửa giờ, thực hiện vài lần mỗi ngày

Nhưng vì sưng phù chân có thể là một dấu hiệu của một tình trạng nào đó nghiêm trọng, đừng bỏ qua nó nhé! Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng khác, đặc biệt là đau chân, khó thở hoặc cực kỳ mệt mỏi, hãy đi thăm khám ngay lập tức.

 

Nguồn: WEBMD

 

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu