Chứng “mất trí nhớ miễn dịch” – khi hệ thống miễn dịch “quên” cách bảo vệ cơ thể

Thế nào là chứng mất trí nhớ miễn dịch?

Chứng mất trí nhớ miễn dịch (immune amnesia) là một hiện tượng mà nhiều người trong chúng ta chưa từng nghe qua mặc dù nó đã được quan sát và tìm hiểu qua hơn 100 năm.

Chứng mất trí nhớ miễn dịch – do virus gây bệnh sởi (rubeola) gây ra – có thể xóa đi phần nào “trí nhớ” của hệ miễn dịch. Sau khi mắc bệnh sởi, một người có thể sẽ dễ bị các bệnh nhiễm trùng khác và cần phải “học lại” cách chống lại nhiều mầm bệnh hoặc vi khuẩn/virus mà trước đây cơ thể họ đã từng có khả năng nhận ra và tiêu diệt.

Chứng mất trí nhớ miễn dịch được cho là khiến một người dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng khác trong khoảng 2 – 3 năm, đó là khoảng thời gian mà khả năng miễn dịch của người đó phải dần được xây dựng lại trong quá trình phơi nhiễm với các mầm bệnh khác nhau.

Sởi là một bệnh gây ra bởi virus có mức độ lây truyền cao qua đường hô hấp (qua giọt bắn trong không khí), có khả năng lây lan cao gấp 8 lần so với virus SARs-CoV-2 đầu tiên (là virus gây ra bệnh COVID-19).

Các triệu chứng của bệnh sởi bao gồm sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt. Bệnh này cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng tai, tiêu chảy và các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi và tổn thương não, cũng như tử vong.

Chứng mất trí nhớ miễn dịch được phát hiện như thế nào?

Từ lâu, chúng ta đã biết rằng nhiều trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi không phải do nguyên nhân trực tiếp từ virus gây bệnh sởi, mà là do các bệnh lý nhiễm trùng tiếp sau đó. Các nhà nghiên cứu khác nhau đã phải mất nhiều năm điều tra, nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân cho vấn đề này và cuối cùng đặt tên cho nó là “chứng mất trí nhớ miễn dịch”.

Năm 1908, bác sĩ nhi khoa Clemens von Pirquet đã công bố một báo cáo về mối liên hệ giữa việc nhiễm bệnh sởi và sự ức chế hệ thống miễn dịch sau đó. Vị bác sĩ này đã quan sát thấy rằng những đứa trẻ trước đây vốn xuất hiện phản ứng dương tính với xét nghiệm da tuberculin – chứng tỏ chúng đã từng bị nhiễm bệnh lao – lại không còn cho phản ứng dương tính với xét nghiệm này nữa, sau khi chúng mắc bệnh sởi. Bệnh sởi cũng thường liên quan đến tình trạng nhiễm lao nặng hơn ở những trẻ kể trên.

Nhiều năm sau, vào năm 2002, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bệnh sởi không có sự liên kết với các tế bào trong đường hô hấp – như cách bạn thường nghĩ về một loại virus đường hô hấp – mà thay vào đó, virus này lại liên kết với CD150, đây là một thụ thể được tìm thấy trên các tế bào của hệ miễn dịch.

Năm 2012, “chứng mất trí nhớ miễn dịch” cuối cùng đã được đặt tên. Các nhà khoa học nghiên cứu bệnh sởi ở khỉ macaque đã phát hiện ra rằng virus lây nhiễm sang các tế bào của hệ miễn dịch, các tế bào này có vai trò ghi nhớ những mầm bệnh mà cơ thể đã bị nhiễm trước đây. Khi cơ thể chống lại virus sởi, các tế bào này cũng sẽ bị tiêu diệt, vì thế dẫn đến chứng mất trí nhớ miễn dịch.

Bệnh sởi tấn công các tế bào nhớ B và T (gọi là tế bào lympho), các tế bào này là một phần của hệ miễn dịch, có vai trò ghi nhớ những lần nhiễm trùng trước đó và giúp bảo vệ cơ thể khỏi các cuộc tấn công trong tương lai bởi các tác nhân tương tự. Tế bào B sản xuất kháng thể để chống lại vi khuẩn và virus, trong khi hai loại tế bào T khác nhau là tế bào T ‘trợ giúp’ và tế bào T ‘tiêu diệt’ lại đảm nhận vai trò giúp kích thích tế bào B, từ đó giúp tế bào T ‘tiêu diệt’ phát triển và tấn công các tế bào đã bị nhiễm bệnh.

Mặc dù gây ức chế hệ miễn dịch, việc nhiễm virus sởi vẫn mang lại cho cơ thể khả năng miễn dịch suốt đời để chống lại bệnh sởi.

Bệnh sởi phá hủy các kháng thể đã có từ trước ở trẻ em và khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng sau này

Các nhà khoa học đã tiếp tục nghiên cứu về bệnh sởi ở trẻ em để tìm hiểu thêm về chứng mất trí nhớ miễn dịch.

Một nghiên cứu đã đo mức độ kháng thể ở 77 trẻ em 2 tháng sau khi mắc bệnh sởi. Nghiên cứu cho thấy 11–73% kháng thể chống lại các mầm bệnh khác (vi khuẩn và virus) đã bị loại bỏ. Sự phơi nhiễm với mầm bệnh sau này sẽ dẫn đến sự phục hồi kháng thể.

Một nghiên cứu khác đã so sánh hồ sơ bệnh án của 2,228 trẻ em mắc bệnh sởi với hồ sơ của 19,930 trẻ em không mắc bệnh này. Nghiên cứu cho thấy những trẻ em đã mắc bệnh sởi có nhiều khả năng hơn mắc phải các bệnh nhiễm trùng khác trong suốt 5 năm của quá trình theo dõi.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên là loại nhiễm trùng phổ biến nhất sau đó. Trong tháng đầu tiên sau khi mắc bệnh sởi, trẻ em có nguy cơ mắc phải một bệnh nhiễm trùng nào đó cao hơn 43% so với những trẻ không bị nhiễm virus. Ngay cả 2.5 – 5 năm sau khi nhiễm bệnh sởi, những đứa trẻ này vẫn có nguy cơ bị tình trạng nhiễm trùng khác cao hơn 15%.

Trẻ em đã từng mắc bệnh sởi cũng cần nhiều đơn thuốc chống nhiễm trùng hơn so với những trẻ chưa từng mắc bệnh sởi.

Tiêm phòng bệnh sởi có khả năng bảo vệ chống lại chứng mất trí nhớ miễn dịch

Việc tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ có lợi ích vượt trội trong việc giảm tử vong ở trẻ, hơn cả những gì mong đợi chỉ là ngăn ngừa bệnh sởi. Một nghiên cứu được thực hiện trên trẻ em ở các nước đang phát triển cho thấy rằng việc chủng ngừa bằng vaccine sởi làm giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân trong những tháng hoặc năm tiếp theo từ 30–86%.

Trước khi chứng mất trí nhớ miễn dịch được phát hiện ra, người ta cho rằng vaccine sởi đã bảo vệ cơ thể chống lại bệnh này và có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch nói chung; và người ta cũng cho rằng chính điều này góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Hiện tại, có vẻ như lợi ích bổ sung mà vaccine cung cấp bắt nguồn từ khả năng ngăn ngừa chứng mất trí nhớ miễn dịch. Sự loại bỏ kháng thể không gặp ở những trẻ đã được tiêm vaccine phòng bệnh sởi, điều này hoàn toàn khác với những trẻ bị đã bị nhiễm virus sởi.

Tỷ lệ tiêm phòng sởi giảm xuống có thể góp phần làm tăng chứng mất trí nhớ miễn dịch

Trước khi đại dịch COVID-19 toàn cầu xuất hiện, đã có nhiều lo ngại về việc giảm tỷ lệ tiêm phòng sởi ở trẻ em. Với ước tính khoảng 22 triệu trẻ sơ sinh thiếu liều vaccine sởi đầu tiên vào năm 2020 – tăng 3 triệu so với năm trước – mối quan tâm còn tiếp tục gia tăng.

Khả năng bùng phát bệnh sởi và tiếp theo là sự gia tăng chứng mất trí nhớ miễn dịch ở trẻ em dự kiến ​​sẽ tăng lên khi các biện pháp ngăn ngừa ít được chú trọng hơn do phải tập trung nguồn lực cho COVID-19, đây cũng là một loại bệnh do virus lây truyền qua đường không khí.

Nguồn: MEDICINE

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

29 06/2021

7 cách để giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh

Nói một cách đơn giản, hệ miễn dịch của bạn có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Theo Viện Sức khỏe Quốc gia (NIH Hoa Kỳ), hệ thống phức hợp được tạo thành từ các tế bào trong da, máu, tủy xương, mô và các cơ quan – khi hoạt động

15 10/2021

Những sự thật thú vị về hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch chính là phiên bản ‘quân đội’ của cơ thể: ‘tuyên thệ’ bảo vệ chống lại tất cả những gì đe dọa cơ thể, cả bên trong lẫn bên ngoài. ‘Đội quân’ miễn dịch có những ‘chiến binh’ thực sự có thể giúp thực hiện những điều ‘tuyên thệ’. Hệ miễn dịch bảo

13 11/2021

Sự lão hóa ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của bạn như thế nào

Khi chúng ta già đi, hệ miễn dịch của chúng ta sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn, cụ thể như sau: Khả năng của hệ miễn dịch trong việc phân biệt giữa các yếu tố thuộc về bản thân với các yếu tố ngoại lai bị giảm sút, từ đó khiến cho các rối