Chúng ta có thể làm giảm sự tích tụ mảng bám trong mạch máu không?

Điểm mấu chốt là giảm LDL và thay đổi lối sống.

Mức cholesterol trong máu cao thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các mảng bám trong mạch máu, từ đó khiến chúng ta có nguy cơ gặp phải tình trạng nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Vậy chúng ta có thể làm giảm sự tích tụ mảng bám không? Tiến sĩ, Bác sĩ tim mạch Christopher Cannon – Giáo sư Trường Y khoa Harvard cho biết: “Khiến cho mảng bám biến mất là điều không thể, tuy nhiên chúng ta có thể thu nhỏ và ổn định mảng bám này”.

Mảng bám trong mạch máu

Mảng bám hình thành khi cholesterol lắng đọng trên thành động mạch. Để chống lại sự lắng đọng này, cơ thể gửi các tế bào bạch cầu đến để ‘bắt lấy’ cholesterol, sau đó chúng biến thành các tế bào bọt (foamy cell) tiết ra nhiều chất béo hơn và gây ra tình trạng viêm nhiều hơn. Điều này kích hoạt các tế bào cơ của thành động mạch nhân lên và tạo thành một nắp đậy bên trên khu vực này. Nhưng mảng bám mềm bên dưới nắp đậy lại rất nguy hiểm. Tiến sĩ Cannon nói: “Lấy ví dụ, nếu huyết áp của bạn tăng cao, nó sẽ gây áp lực lên thành mỏng của mảng bám và có thể khiến mảng này vỡ ra, từ đó hình thành cục máu đông và dẫn đến nhồi máu cơ tim”. Khoảng 3 trong số 4 cơn nhồi máu cơ tim xảy ra là khi các mảng bám bị vỡ.

Các mảng bám lớn hơn có thể gây tắc nghẽn sự lưu thông máu. Nhưng các mảng bám này thường được bao phủ bởi lớp nắp đậy có bản chất sợi, dày và có khả năng chống vỡ. Chúng thường được điều trị bằng cách đưa một ống lưới thép (gọi là stent) vào gần chỗ tắc nghẽn để thông bằng cách mở rộng động mạch.

Điều trị

Bác sĩ thường nhắm mục tiêu vào các mảng bám nhỏ và không ổn định. Tiến sĩ Cannon cho biết: “Nếu chúng ta bị tắc nghẽn động mạch 30% do mảng bám mềm, mục tiêu sẽ là cố gắng hút cholesterol từ bên trong mảng bám này để nó co lại còn 15% và không để lại gì bên trong nó”.

Làm thế nào để bạn lấy cholesterol ra khỏi mảng bám? Bằng cách giảm lượng cholesterol trong máu – nơi cholesterol lưu thông dưới dạng một thành phần bên trong các phân tử được gọi là lipoprotein. Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) gây lắng đọng cholesterol trên thành mạch máu. Các loại thuốc được sử dụng thường xuyên nhất để giảm mức cholesterol LDL là statin – chẳng hạn như atorvastatin (Lipitor) và rosuvastatin (Crestor). Các statin ức chế enzyme gan sản xuất cholesterol. Một loại thuốc là ezetimibe (Zetia) có thể được thêm vào để ức chế sự hấp thu cholesterol trong đường tiêu hóa. Tiến sĩ Cannon cho biết: “Các mảng bám co lại khi dùng statin đã được ghi nhận khi chỉ số LDL dưới 70 mg/dL”.

Tích cực thay đổi lối sống cũng đã được chứng minh là có thể thu nhỏ mảng bám. Tiến sĩ Cannon khuyên bạn nên:

  • Ăn theo chế độ Địa Trung Hải (Mediterranean diet). Đây là chế độ ăn có thể làm giảm 30% nguy cơ mắc bệnh tim. Chế độ ăn này bao gồm nhiều dầu ô liu, trái cây, rau củ, các loại quả hạch và cá; ít thịt đỏ hoặc thịt đã qua chế biến; cùng với lượng phô-mai và rượu vang bạn có thể tiêu thụ ở mức độ vừa phải.
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Hút thuốc lá làm tổn hại lớp niêm mạc của động mạch. Việc bỏ thuốc lá có thể giúp nâng cao mức HDL.
  • Tập thể dục. Tập thể dục nhịp điệu (aerobic) có thể làm tăng HDL, giảm huyết áp, đốt cháy mỡ trong cơ thể và giảm đường huyết. Tập luyện thể dục kết hợp với giảm cân cũng có thể làm giảm mức LDL. Hãy đặt mục tiêu tập thể dục với cường độ vừa phải 150 phút mỗi tuần.

Xóa bỏ quan niệm sai lầm về cholesterol

Tại sao chúng ta không thể sống thiếu cholesterol – thành phần tưởng chừng như chỉ đem lại rắc rối?

Cholesterol thường bị xem là tác nhân có hại cho sức khỏe, nhưng thực tế chúng ta lại cần thành phần chất béo có cấu trúc giống như sáp này để tạo ra vitamin D, hormone, mật hỗ trợ tiêu hóa và màng của các tế bào. Gan sản xuất ra 75% lượng cholesterol của cơ thể, nhưng tất cả các tế bào đều có khả năng tạo ra thành phần này.

Khi các tế bào cần thêm cholesterol, gan sẽ gửi nó qua đường máu đến tế bào dưới dạng các tiểu phân với cholesterol ở bên trong và protein ở bên ngoài. Những phân tử chứa cholesterol này được gọi là lipoprotein tỷ trọng thấp, hoặc LDL. Quá nhiều LDL trong máu có thể khiến cholesterol đọng lại trên thành động mạch và hình thành mảng bám. Đó là lý do tại sao LDL được gọi là cholesterol ‘xấu’.

Không có gì ngạc nhiên khi lượng cholesterol cao trong chế độ ăn làm tăng mức LDL trong máu. Nhưng lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cao trong chế độ ăn còn quan trọng hơn: chúng khiến gan sản xuất nhiều LDL cholesterol hơn và đưa vào máu.

Trong khi các phân tử LDL gây lắng đọng cholesterol và từ đó hình thành các mảng xơ vữa động mạch (atherosclerosis), một số phân tử lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) giúp loại bỏ cholesterol khỏi các mảng xơ vữa. Đó là lý do tại sao HDL cholesterol thường được gọi là cholesterol ‘tốt’.

Lượng HDL và LDL mà bạn nên hướng tới là bao nhiêu? HDL từ 60 mg/dL trở lên có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn. Nhiều bác sĩ chỉ định sử dụng statin và thay đổi lối sống để có mức LDL dưới 70 mg/dL ở những người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim trong 10 năm tới. Các hướng dẫn gần đây khuyến cáo rằng statin được kê đơn bất kể mức LDL là bao nhiêu ở những người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim vì các yếu tố nguy cơ tim mạch (như huyết áp cao, tiểu đường và hút thuốc).

Nguồn: HARVARD HEALTH PUBLISHING (Harvard Medical School)

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), và các tổ chức, cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

09 11/2020

Mọi điều bạn cần biết về cholesterol cao (Phần 1)

Cholesterol là gì? Cholesterol là một loại lipid, là thành phần giống chất béo dạng sáp, do gan sản xuất một cách tự nhiên. Cholesterol rất quan trọng cho sự hình thành màng tế bào, các hormone nhất định và vitamin D. Cholesterol không hòa tan trong nước, vì vậy nó không thể tự di

10 11/2020

Mọi điều bạn cần biết về cholesterol cao (Phần 2)

Các biến chứng của cholesterol cao Nếu không được điều trị, cholesterol cao có thể gây ra mảng bám tích tụ trong động mạch. Theo thời gian, mảng bám này có thể thu hẹp động mạch. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là một tình trạng nghiêm

12 03/2021

Các triệu chứng cần biết của cục máu đông (huyết khối)

Cục máu đông là gì? Đó là một khối hợp lại từ tế bào và protein trong máu. Cục máu đông giúp làm chậm quá trình chảy máu khi bạn bị thương. Nó thường tiêu biến khi vết thương lành. Nhưng nếu cục máu đông không tiêu biến hoặc nếu nó hình thành khi không

10 08/2021

Sự thật về chất béo: loại tốt, loại xấu và loại trung bình

Tránh chất béo chuyển hóa, hạn chế chất béo bão hòa và thay thế bằng chất béo không bão hòa đa thiết yếu Đối với cơ thể, tại sao chất béo chuyển hóa (trans fats) có hại, chất béo không bão hòa đa (polyunsaturated fats) và không bão hòa đơn (monounsaturated fats) có lợi, và