Chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi

Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ chung để chỉ một loạt các tình trạng ảnh hưởng đến não. Các triệu chứng thường bao gồm việc gặp khó khăn về trí nhớ, khả năng giải quyết vấn đề, ngôn ngữ và khả năng phán đoán.

Mặc dù sa sút trí tuệ chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi, nhưng nó không phải là một vấn đề thường xuyên và tất yếu của quá trình lão hóa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng có 5 – 8% người từ 60 tuổi trở lên bị sa sút trí tuệ.

Trong khi không có cách nào đảm bảo ngăn ngừa sa sút trí tuệ, một số giải pháp có thể hữu ích và việc phát hiện và điều trị sớm có thể làm chậm sự tiến triển của tình trạng này.

Sa sút trí tuệ là gì?

Sa sút trí tuệ đề cập đến một nhóm các bệnh lý thoái hóa thần kinh đặc trưng bởi sự suy giảm nhận thức nghiêm trọng.

Sự suy giảm này liên quan đến sự khó khăn về trí nhớ, khả năng tập trung, giao tiếp và đưa ra quyết định. Một người cũng có thể trải qua những thay đổi về tâm trạng và hành vi của họ.

Chứng sa sút trí tuệ thường tiến triển – các triệu chứng thường nhẹ khi bắt đầu và trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.

Các triệu chứng ban đầu

Trong giai đoạn đầu của sa sút trí tuệ, các triệu chứng có thể nhẹ và dễ bị bỏ qua.

Nhìn chung, một số triệu chứng có thể xảy ra sớm bao gồm:

  • Khó khăn về trí nhớ: Một người có thể gặp khó khăn với trí nhớ ngắn hạn, ví dụ, họ thậm chí khó có thể nhớ ra những gì họ đã ăn vào bữa sáng
  • Khó tập trung: Điều này, chẳng hạn, có thể liên quan đến việc không thể tập trung và tiếp tục một cuộc trò chuyện
  • Mất phương hướng: Điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn về thời gian và địa điểm. Ví dụ, một người có thể quên mất nơi họ đang định đến hoặc gặp khó khăn trong việc tìm đường về nhà
  • Các vấn đề về giao tiếp: Một người có thể quên những từ thông dụng hoặc sử dụng những từ thay thế không phù hợp với ngữ cảnh. Điều này có thể khiến những điều họ nói và viết trở nên khó hiểu
  • Khó khăn trong nhận thức không gian: Một người có thể gặp khó khăn trong việc đánh giá khoảng cách và không gian, khiến họ va chạm vào mọi thứ
  • Khó khăn khi thực hiện các công việc thường ngày: Chẳng hạn, một người có thể khó nhớ quần áo nào nên mặc trước hoặc các bước liên quan đến việc nấu một bữa ăn quen thuộc.

Các triệu chứng của giai đoạn giữa

Khi chứng sa sút trí tuệ tiến triển, các triệu chứng trở nên dễ nhận thấy hơn. Một người có thể:

  • trở nên đãng trí hơn
  • bị lạc trong chính căn nhà của mình
  • ngày càng gặp khó khăn trong giao tiếp
  • cần nhiều sự giúp đỡ hơn trong việc chăm sóc bản thân
  • thể hiện những thay đổi trong hành vi, chẳng hạn như liên tục lặp lại những câu hỏi giống nhau

Các triệu chứng giai đoạn muộn

Đến giai đoạn này, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn:

  • Các vấn đề về trí nhớ: Một người có thể không nhận ra nhà của họ hoặc người thân trong gia đình
  • Các vấn đề về giao tiếp: Một người có thể mất khả năng nói. Lúc này, việc sử dụng biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ và sự tiếp xúc chính là cách hỗ trợ việc giao tiếp với bệnh nhân
  • Những thay đổi hành vi và tâm lý: Người bệnh có thể trở nên kích động, trầm cảm hoặc lo lắng, và họ có thể bị ảo giác hoặc đi vòng quanh mà không có mục đích rõ ràng
  • Tiểu tiện mất kiểm soát: Điều này có thể xảy ra trong những giai đoạn sau của chứng sa sút trí tuệ
  • Giảm cảm giác thèm ăn và giảm cân: Người bệnh có thể gặp khó khăn khi ăn và nuốt. Họ cũng có thể chán ăn, dẫn đến giảm cân.

Các triệu chứng theo từng chứng bệnh sa sút trí tuệ

Có nhiều chứng sa sút trí tuệ khác nhau và mỗi loại có các triệu chứng đặc trưng.

1. Bệnh Alzheimer

Các triệu chứng bao gồm:

  • gặp phải các vấn đề về trí nhớ
  • bối rối, nhầm lẫn trong môi trường không quen thuộc
  • lặp lại các câu hỏi
  • gặp khó khăn trong việc tìm đúng từ
  • trở nên lo lắng và tách biệt
  • gặp rắc rối với các con số và việc tính toán tiền bạc
  • gặp khó khăn với các công việc hàng ngày

2. Sa sút trí tuệ não mạch

Các triệu chứng bao gồm:

  • thay đổi tâm trạng
  • khó khăn khi suy nghĩ, chẳng hạn như khó tập trung chú ý
  • khó khăn trong di chuyển, chẳng hạn như cảm thấy khó khăn khi đi bộ
  • các triệu chứng tương tự như của đột quỵ, chẳng hạn như yếu cơ và tê liệt tạm thời

3. Sa sút trí tuệ thể Lewy

Các triệu chứng bao gồm:

  • rối loạn giấc ngủ
  • ngất xỉu và té ngã lặp đi lặp lại
  • chuyển động chậm chạp
  • ảo thị giác
  • tình trạng dao động giữa sự lẫn lộn và sự sáng suốt
  • các giai đoạn buồn ngủ hoặc tỉnh táo rõ rệt

4. Sa sút trí tuệ tiền đình thái dương

Các triệu chứng bao gồm:

  • thay đổi tính cách, chẳng hạn như trở nên ít nhạy cảm hơn với cảm xúc của người khác
  • thiếu nhận thức xã hội hoặc thiếu sự khéo léo, chẳng hạn như pha trò cười không phù hợp
  • gặp khó khăn với ngôn ngữ, chẳng hạn như không thể tìm thấy các từ thích hợp
  • các hành vi ám ảnh cưỡng chế

Nguyên nhân nào gây nên chứng sa sút trí tuệ?

Sa sút trí tuệ có thể là kết quả của nhiều chấn thương và bệnh lý khác nhau ở não.

Bệnh Alzheimer là loại phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ và chiếm khoảng 70% các trường hợp.

Mỗi chứng sa sút trí tuệ có tác động hơi khác nhau đối với não. Chẳng hạn:

1. Bệnh Alzheimer: Ở một người mắc bệnh Alzheimer, các mô thần kinh trong não có chứa các protein nhỏ lắng đọng gọi là mảng và đám rối. Chúng bao quanh các tế bào và làm hỏng cấu trúc bên trong tế bào, dẫn đến chết tế bào.

2. Sa sút trí tuệ não mạch: Ở người bệnh sa sút trí tuệ não mạch, lượng máu lên não bị thiếu hụt sẽ làm giảm cung cấp oxy, khiến tế bào não bị tổn thương hoặc chết. Đột quỵ hoặc các mạch máu bị tổn thương có thể là nguyên nhân căn bản.

3. Sa sút trí tuệ thể Lewy: Ở những người mắc chứng sa sút trí tuệ này, sự lắng đọng của các cấu trúc nhỏ gọi là thể Lewy hình thành bên trong tế bào não. Những protein này cản trở hoạt động của não và dẫn đến cái chết của các tế bào não.

4. Sa sút trí tuệ tiền đình thái dương: Tình trạng này liên quan đến tổn thương các khu vực phía trước và bên của não. Ở một người bị sa sút trí tuệ tiền đình thái dương, sự kết tụ của các protein bên trong tế bào não khiến tế bào chết.

Ít gặp hơn, những nguyên nhân sau đây có thể gây ra chứng sa sút trí tuệ:

  • Bệnh Parkinson
  • HIV
  • Chấn thương sọ não
  • Bệnh Huntington
  • Bệnh Creutzfeld–Jakob
  • Bệnh hoái hoá vỏ não hạch đáy
  • Bệnh teo đa hệ thống
  • Bệnh Niemann–Pick loại C

Điều trị

Để điều trị chứng sa sút trí tuệ, bác sĩ có thể kê đơn một trong các loại thuốc sau:

  • donepezil (Aricept)
  • galantamine (Razadyne)
  • rivastigmine (Exelon)

Những loại thuốc này là các chất ức chế men cholinesterase. Chúng giúp tăng chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine – chất có vai trò trong trí nhớ và khả năng phán đoán.

Đối với một số người, bác sĩ cũng kê đơn memantine (Namenda), là chất đối kháng thụ thể N-methyl-D-aspartate (NMDA). Nó ngăn chặn các chất hóa học có thể làm hư hại tế bào não.

Bốn loại thuốc này hiện là phương pháp điều trị hiệu quả duy nhất được cấp phép cho chứng sa sút trí tuệ.

Đối với một người bị sa sút trí tuệ não mạch, bác sĩ có thể cũng sẽ kê đơn thuốc để điều trị vấn đề nguyên nhân, có thể là đột quỵ hoặc tổn thương mạch máu.

Ngoài ra, một người bị sa sút trí tuệ có thể có được lợi ích từ các phương pháp điều trị không dùng thuốc, chẳng hạn như:

  • các hoạt động thúc đẩy sự kích thích tinh thần và sự hoà nhập xã hội
  • rèn luyện trí nhớ
  • tập thể dục

Chẩn đoán

Không có xét nghiệm duy nhất cho chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ. Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh lý này sau khi thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Khám sức khỏe và xét nghiệm máu: Điều này giúp loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng
  • Đánh giá nhận thức: Đây là những xét nghiệm giúp kiểm tra trí nhớ và suy nghĩ của một người
  • Quét não: Quá trình này có thể bao gồm chụp CT hoặc MRI.

Khi nào cần đi thăm khám

Bất kỳ ai lo lắng về trí nhớ của mình nên liên hệ với bác sĩ.

Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng giống như sa sút trí tuệ ở người khác, bạn nên khuyến khích họ đi khám bệnh. Bạn nên đi cùng họ đến bệnh viện để hỗ trợ về mặt tinh thần.

Nơi để tìm sự hỗ trợ

Chăm sóc một người bị sa sút trí tuệ có thể là một thử thách và đôi khi có thể khiến bạn cảm thấy quá tải.

Các tổ chức phi lợi nhuận sau đây cung cấp thông tin và sự hỗ trợ:

  • Alzheimer’s Association
  • Alzheimer’s.gov
  • Alzheimer’s Foundation
  • National Institute on Aging
  • UsAgainstAlzheimer’s

Ngăn ngừa bệnh

Không có cách nào đảm bảo để ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ.

Đánh giá năm 2017 về các biện pháp phòng ngừa kết luận rằng những điều sau đây có thể đem lại lợi ích:

  • tập thể dục thường xuyên
  • có một chế độ ăn uống lành mạnh
  • hạn chế căng thẳng tâm lý – xã hội
  • hạn chế bất kỳ giai đoạn trầm cảm chính nào

Quan điểm

Những người bị sa sút trí tuệ trải qua các giai đoạn với tốc độ khác nhau và gặp phải các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng thường xấu đi theo thời gian.

Không có cách chữa trị cho nhiều chứng sa sút trí tuệ phổ biến. Nhận được chẩn đoán sớm có thể giúp bệnh nhân và người thân của họ lập kế hoạch cho tương lai.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục cố gắng để tìm ra các phương pháp điều trị mới và các phương pháp chữa trị có thể áp dụng được.

Tóm lược

Sa sút trí tuệ liên quan đến một loạt các tình trạng ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng giải quyết vấn đề, ngôn ngữ và khả năng phán đoán. Thông thường, ban đầu các triệu chứng nhẹ và nặng dần theo thời gian.

Không có cách chữa trị cho các chứng sa sút trí tuệ phổ biến. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa thuốc và các hoạt động kích thích có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Nguồn: MEDICAL NEWS TODAY

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu