Kỳ kinh có thể trễ bao lâu và tại sao bạn lại bị trễ kinh

Nếu bạn không gặp phải bất kỳ tình trạng nhất định nào ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, kinh nguyệt thường xuất hiện trong vòng 21 – 35 ngày kể từ ngày đầu của kỳ kinh trước, tùy thuộc vào chu kỳ bình thường của bạn cụ thể là bao nhiêu ngày.

Có thể có sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt. Nếu chu kỳ đều đặn của bạn là 28 ngày và bạn vẫn chưa có kinh vào ngày 29 thì kinh nguyệt của bạn chính thức được xem là trễ. Tương tự như vậy, nếu chu kỳ đều đặn của bạn là 32 ngày và bạn vẫn chưa có kinh vào ngày thứ 33 thì tình trạng này sẽ được xem là trễ kinh đối với bạn.

Hai trường hợp ví dụ kể trên, về nguyên tắc, có thể được xem là trễ kinh, nhưng có thể đó không phải là nguyên nhân khiến bạn ngay lập tức phải lo ngại. Sự thay đổi chu kỳ kinh nguyệt giữa các tháng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Sau 6 tuần từ kỳ kinh trước, nếu kinh nguyệt không xuất hiện, bạn có thể xem sự trễ kinh đó là tình trạng kỳ kinh bị mất.

Có một số yếu tố có thể dẫn đến chậm kinh, từ những thay đổi cơ bản trong lối sống đến những tình trạng sức khỏe mạn tính. Dưới đây là 10 thủ phạm có thể gây ra trình trạng trễ kinh.

1. Bạn đang gặp phải tình trạng căng thẳng

Trong cơ thể chúng ta, hệ thống phản ứng với căng thẳng bắt nguồn từ một phần của não bộ gọi là vùng dưới đồi. Mặc dù đã qua cái thời mà con người ta phải luôn trong tư thế chạy chốn khỏi những ‘kẻ săn mồi’, cơ thể con người vẫn duy trì khả năng để phản ứng như vốn có.

Khi mức độ căng thẳng của bạn lên đến đỉnh điểm, não bộ sẽ ra lệnh cho hệ thống nội tiết sản xuất và đổ vào máu các hormone kích hoạt ‘chế độ chiến-hay-chạy’. Những hormone này ức chế các chức năng của cơ thể, bao gồm cả các chức năng của hệ thống sinh sản vốn là phần không cần thiết trong việc thoát khỏi mối đe dọa sắp xảy ra.

Nếu bạn đang chịu quá nhiều áp lực và căng thẳng, cơ thể bạn có thể đang ở trong ‘chế độ chiến-hay-chạy’, điều này có thể khiến cơ thể bạn tạm thời ngừng rụng trứng. Và khi trứng không rụng, bạn có thể bị trễ kinh.

2. Bạn đã giảm hoặc tăng cân

Những thay đổi lớn về trọng lượng cơ thể có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Chẳng hạn, sự tăng hoặc giảm quá mức của lượng mỡ cơ thể có thể dẫn đến sự mất cân bằng nội tiết tố, từ đó khiến kỳ kinh của bạn đến muộn hoặc ngừng hoàn toàn.

Ngoài ra, việc ‘siết chặt’ lượng calo nạp vào cơ thể cũng ảnh hưởng đến phần não bộ có vai trò truyền thông tin cho hệ thống nội tiết và đưa ra hướng dẫn để tạo các hormone sinh sản. Khi kênh thông tin này bị gián đoạn, các hormone sinh sản này có thể không thực hiện được chức năng vốn có.

3. Bạn tăng cường độ tập luyện

Chế độ tập luyện gắng sức cũng có thể gây mất kinh. Điều này phổ biến nhất ở những người dành thời gian tập luyện nhiều giờ mỗi ngày. Tình trạng này xảy ra bởi vì, dù có chủ ý hay không, bạn đang đốt cháy nhiều calo hơn mức bạn nạp vào cơ thể.

Khi bạn đốt cháy quá nhiều calo, cơ thể sẽ không có đủ năng lượng để duy trì hoạt động của tất cả các chức năng trong cơ thể. Việc tập luyện gắng sức có thể dẫn đến tăng giải phóng loại hormone có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt.

Kinh nguyệt thường sẽ quay lại chu kỳ bình thường ngay sau khi bạn ‘nới lỏng’ cường độ luyện tập hoặc tăng lượng calo cung cấp cho cơ thể.

4. Bạn mắc hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một tập hợp các triệu chứng gây ra bởi sự mất cân bằng các hormone sinh sản. Nhiều người mắc PCOS không có được sự rụng trứng đều đặn.

Kết quả là, kinh nguyệt có thể:

  • nhiều hoặc ít hơn so với kỳ kinh thông thường
  • xuất hiện không đều
  • biến mất hoàn toàn.

Các triệu chứng khác của PCOS có thể bao gồm:

  • lông mặt và lông cơ thể mọc nhiều hoặc cứng
  • mụn trên mặt và cơ thể
  • tóc mỏng đi
  • tăng cân hoặc khó giảm cân
  • các mảng da sẫm màu, thường xuất hiện tại các nếp gấp ở cổ, bẹn và bên dưới vú
  • mụn thịt ở nách hoặc cổ
  • vô sinh.

5. Bạn đang sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố

Nhiều người ưa chuộng thuốc tránh thai nội tiết tố vì nó khiến kinh nguyệt của họ đều đặn. Tuy nhiên, loại thuốc này đôi khi có thể có tác động ngược lại, đặc biệt là trong vài tháng đầu khi sử dụng.

Tương tự, khi bạn ngừng sử dụng thuốc, có thể mất vài tháng để chu kỳ của bạn trở lại bình thường. Khi cơ thể trở lại mức hormone cơ bản (bình thường), bạn có thể bị mất kinh trong vài tháng.

Nếu bạn đang sử dụng một phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố khác, chẳng hạn như dụng cụ đặt tử cung (IUD), que cấy thánh thai hoặc thuốc tiêm, bạn có thể gặp tình trạng ngừng kinh.

6. Bạn đang trong giai đoạn tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp đến thời kỳ mãn kinh. Giai đoạn này thường bắt đầu từ giữa cho đến cuối những năm 40 tuổi. Tiền mãn kinh có thể kéo dài vài năm trước khi kinh nguyệt chấm dứt hoàn toàn.

Đối với nhiều người, trễ kinh là dấu hiệu đầu tiên của thời kỳ tiền mãn kinh. Bạn có thể mất kinh 1 tháng và có kinh liên tục trong 3 tháng tiếp theo. Hoặc, bạn có thể mất kinh 3 tháng liên tiếp và sau đó kinh nguyệt bất ngờ xuất hiện, thường ít hơn hoặc nhiều hơn so với bình thường.

7. Bạn đang trong thời kỳ mãn kinh sớm

Mãn kinh sớm – còn được gọi là tình trạng suy buồng trứng sớm – xảy ra khi buồng trứng ngừng hoạt động trước khi bạn bước sang tuổi 40.

Khi buồng trứng không còn hoạt động như bình thường, chúng sẽ ngừng sản xuất nhiều loại hormone, bao gồm cả estrogen. Khi nồng độ estrogen của bạn giảm xuống mức thấp chưa từng có trước đây, bạn sẽ bắt đầu gặp phải các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh.

Trễ kinh hoặc mất kinh có thể là dấu hiệu sớm. Bạn cũng có thể gặp phải:

  • cơn bốc hỏa
  • đổ mồ hôi đêm
  • khó ngủ.

Các dấu hiệu khác của tình trạng suy buồng trứng sớm bao gồm:

  • khô âm đạo
  • khó có thai
  • giảm ham muốn tình dục
  • rối loạn khí sắc hoặc tâm trạng thay đổi thất thường.

8. Bạn có vấn đề với tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến hình bướm nằm ở cổ, sản xuất ra các hormone giúp điều hòa nhiều hoạt động trong cơ thể, bao gồm cả chu kỳ kinh nguyệt. Có một số bệnh lý tuyến giáp phổ biến, chẳng hạn như suy giápcường giáp.

Cả suy giáp và cường giáp đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn và gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều, nhưng cường giáp có nhiều khả năng gây trễ kinh hoặc mất kinh hơn. Đôi khi, kinh nguyệt có thể biến mất trong vài tháng.

Các triệu chứng khác của vấn đề về tuyến giáp có thể bao gồm:

  • tim đập nhanh
  • thay đổi cảm giác thèm ăn
  • thay đổi cân nặng không giải thích được
  • căng thẳng hoặc lo âu
  • run tay nhẹ
  • mệt mỏi
  • thay đổi đối với lông, tóc
  • khó ngủ.

9. Bạn mắc phải một bệnh lý mạn tính

Một số tình trạng sức khỏe/bệnh lý mạn tính – đặc biệt là bệnh celiac và bệnh tiểu đường – đôi khi có thể dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều.

Bệnh Celiac là một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Khi những người mắc bệnh celiac tiêu thụ thành phần gluten, hệ miễn dịch của họ sẽ phản ứng bằng cách tấn công lớp niêm mạc của ruột non.

Khi ruột non bị tổn thương, nó làm suy giảm khả năng cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, từ đó ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone và dẫn đến mất kinh cũng như các tình trạng rối loạn kinh nguyệt khác.

Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 cũng có thể bị mất kinh trong một số trường hợp hiếm. Điều này có khuynh hướng xảy ra chỉ khi lượng đường trong máu không được kiểm soát.

10. Bạn có thể đang mang thai

Nếu có khả năng nào đó bạn có thể có thai, đồng thời bình thường bạn có chu kỳ đều đặn, trong trường hợp bạn bị trễ kinh, có thể đã đến lúc bạn nên thử thai.

Hãy thử thai khoảng 1 tuần sau thời điểm mà đáng lý ra kinh nguyệt của bạn đã phải bắt đầu xuất hiện. Thử thai quá sớm có thể dẫn đến kết quả âm tính ngay cả khi bạn đang mang thai, lý do là vì thời điểm này quá sớm để có thể phát hiện ra hormone thai kỳ trong nước tiểu.

Nếu bình thường kinh nguyệt của bạn vốn đã không đều, bạn sẽ khó tìm được thời điểm thích hợp để thử thai. Bạn có thể cần thực hiện việc thử thai vài lần trong vài tuần hoặc đi thăm khám để có được kết quả chắc chắn.

Các dấu hiệu ban đầu khác của thai kỳ cần chú ý bao gồm:

  • vú căng tức, sưng và đau
  • buồn nôn hoặc nôn mửa
  • mệt mỏi.

Tóm lại

Kinh nguyệt thường được xem là trễ nếu nó không xuất hiện trong khung thời gian thông thường của chu kỳ kinh nguyệt của bạn kể từ khi bắt đầu kỳ kinh cuối.

Nhiều yếu tố có thể khiến điều này xảy ra, từ việc thay đổi lối sống hàng ngày đến những tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Nếu bạn thường xuyên bị trễ kinh, hãy đi thăm khám để được bác sĩ xác định nguyên nhân.

Nguồn: Health Line

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu