Nguyên nhân gây chóng mặt và cách điều trị

Tổng quan

Choáng váng (dizziness) là cảm giác loạng choạng – cảm thấy như có thể bị ngã, xây xẩm hoặc mất thăng bằng. Tình trạng này ảnh hưởng đến các cơ quan cảm giác – cụ thể là mắt và tai – vì thế, đôi khi có thể gây ngất xỉu. Choáng váng không phải là một bệnh lý, mà thường là một triệu chứng của nhiều rối loạn khác nhau.

Chóng mặt (vertigo) và mất thăng bằng (disequilibrium) có thể gây ra cảm giác choáng váng, nhưng hai thuật ngữ này mô tả các triệu chứng khác nhau. Chóng mặt được đặc trưng bởi cảm giác quay cuồng, giống như không gian xung quanh đang chuyển động. Bạn cũng có thể có cảm giác giống như bị say tàu xe hoặc như thể bạn đang nghiêng về một bên. Mất thăng bằng là cảm giác không thể kiểm soát trạng thái thăng bằng của cơ thể. Cảm giác choáng váng là cảm giác xây xẩm hoặc cảm thấy như sắp ngất xỉu.

Thông thường, chúng ta thường gọi những tình trạng này bằng một thuật ngữ chung: ‘chóng mặt’.

Chóng mặt là tình trạng phổ biến và nguyên nhân cơ bản gây ra nó thường không nghiêm trọng. Nếu thỉnh thoảng bạn bị chóng mặt thì đó không phải là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, bạn nên đi thăm khám ngay nếu bạn gặp phải những cơn chóng mặt lặp đi lặp lại mà không có lý do rõ ràng hoặc bạn bị chóng mặt trong một thời gian dài.

Nguyên nhân của chóng mặt

Các nguyên nhân phổ biến của tình trạng chóng mặt bao gồm chứng đau nửa đầu (migraine), thuốc và rượu. Nó cũng có thể do vấn đề ở tai trong – nơi điều hòa sự thăng bằng của cơ thể.

Chóng mặt cũng thường là kết quả một tình trạng gọi là chóng mặt tư thế lành tính (benign positional vertigo – BPV). Điều này gây ra tình trạng chóng mặt tạm thời khi bạn thay đổi tư thế một cách nhanh chóng, chẳng hạn như ngồi bật dậy trên khi đang nằm.

Chóng mặt và choáng váng cũng có thể do bệnh Meniere gây ra. Bệnh lý này khiến chất lỏng tích tụ trong tai kèm theo cảm giác đầy tai, giảm thính lực và ù tai.

Một nguyên nhân khác có thể gây ra chóng mặt và choáng váng là u dây thần kinh âm thanh (acoustic neuroma). Đây là một khối u không phải loại ung thư, hình thành trên dây thần kinh kết nối tai trong với não bộ.

Một số nguyên nhân khác có thể gây ra chóng mặt bao gồm:

  • giảm huyết áp đột ngột
  • bệnh cơ tim
  • giảm thể tích máu
  • rối loạn lo âu
  • thiếu máu (lượng sắt thấp)
  • hạ đường huyết
  • nhiễm trùng tai
  • mất nước
  • say nắng, sốc nhiệt
  • tập thể dục quá mức
  • say tàu xe.

Trong một số hiếm các trường hợp, chóng mặt có thể gây ra bởi bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis), cơn đột quỵ, khối u ác tính hoặc một tình trạng rối loạn não khác.

Các triệu chứng của chóng mặt

Những người bị chóng mặt có thể có nhiều cảm giác khác nhau, bao gồm:

  • choáng váng, xây xẩm hoặc cảm thấy sắp ngất xỉu
  • cảm giác đầu óc quay cuồng
  • loạng choạng
  • mất thăng bằng
  • cảm giác như đang nổi bồng bềnh hoặc như đang bơi trong nước.

Đôi khi, tình trạng chóng mặt có thể kèm theo buồn nôn, nôn mửa hoặc ngất xỉu. Hãy tìm kiếm trợ sự giúp y tế ngay nếu bạn có những triệu chứng này trong một thời gian dài.

Khi nào bạn cần đi thăm khám đối với tình trạng chóng mặt

Bạn nên đi thăm khám nếu bạn liên tục gặp phải các cơn chóng mặt lặp đi lặp lại. Ngoài ra, bạn cũng nên được bác sĩ kiểm tra ngay nếu bạn bị chóng mặt đột ngột kèm theo:

  • chấn thương đầu
  • đau đầu
  • đau cổ
  • sốt cao
  • nhìn mờ
  • giảm thính lực
  • khó nói
  • cảm giác tê hoặc châm chích
  • sụp mí mắt hoặc miệng chảy xệ
  • mất ý thức
  • đau ngực
  • nôn mửa liên tục.

Những triệu chứng này có thể chỉ ra một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, vì vậy điều quan trọng là phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.

Quá trình thăm khám

Bác sĩ có thể thu hẹp nguyên nhân gây chóng mặt và bất kỳ triệu chứng nào khác bằng cách tiến hành thăm khám. Họ sẽ hỏi bạn những câu hỏi về tình trạng chóng mặt mà bạn gặp phải, bao gồm:

  • tình trạng này xảy ra khi nào
  • trong những tình huống nào
  • mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
  • các triệu chứng khác xảy ra cùng với chóng mặt.

Bác sĩ cũng có thể kiểm tra mắt và tai, kiểm tra thần kinh, quan sát tư thế của bạn và thực hiện các kiểm tra khác để đánh giá sự thăng bằng của bạn. Tùy thuộc vào nguyên nhân được nghi ngờ, kiểm tra hình ảnh, như chụp CT hoặc MRI, có thể được chỉ định.

Trong một số trường hợp, có thể sẽ không xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng chóng mặt mà bạn gặp phải.

Điều trị chóng mặt

Việc điều trị chóng mặt tập trung vào nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng này. Trong hầu hết các trường hợp, các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà và điều trị y tế có thể kiểm soát nguyên nhân gây chóng mặt, chẳng hạn:

  • Các vấn đề về tai trong có thể được kiểm soát bằng thuốc và các bài tập thể dục tại nhà nhằm giúp kiểm soát sự thăng bằng.
  • Tình trạng BPV có thể được giải quyết bằng các liệu pháp vận động, từ đó có thể giúp giảm bớt các triệu chứng. Phẫu thuật có thể là lựa chọn cho những bệnh nhân không kiểm soát được BPV.
  • Bệnh Meniere được điều trị bằng chế độ ăn lành mạnh – ít muối, đôi khi điều trị bằng thuốc tiêm hoặc điều trị bằng phẫu thuật tai.
  • Chứng đau nửa đầu được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống, chẳng hạn như tìm cách xác định và từ đó tránh các tác nhân gây đau nửa đầu.
  • Thuốc và các kỹ thuật giúp giảm lo âu có thể giúp điều trị chứng rối loạn lo âu.
  • Uống nhiều nước có thể giúp ích khi tình trạng chóng mặt là do tập thể dục quá nhiều, sốc nhiệt hoặc mất nước.

Điều bạn cần làm khi bị chóng mặt

Hãy làm theo những lời khuyên sau nếu bạn gặp phải các cơn chóng mặt tái phát:

  • Ngồi hoặc nằm xuống ngay lập tức khi bạn cảm thấy chóng mặt và nghỉ ngơi cho đến khi tình trạng này qua đi. Việc này có thể ngăn ngừa khả năng bạn bị mất thăng bằng, từ đó có thể dẫn đến té ngã và gặp phải chấn thương nghiêm trọng.
  • Nếu cần, sử dụng gậy chống hoặc dụng cụ hỗ trợ khi bạn đi lại để giúp bạn đi vững hơn.
  • Luôn sử dụng tay vịn khi đi lên hoặc xuống cầu thang.
  • Thực hiện các hoạt động giúp cải thiện sự thăng bằng, chẳng hạn như tập yoga và thái cực quyền.
  • Tránh di chuyển hoặc thay đổi tư thế một cách đột ngột.
  • Tránh lái xe ô tô hoặc vận hành máy móc nặng nếu bạn thường xuyên bị chóng mặt mà không có dấu hiệu cảnh báo trước.
  • Tránh sử dụng cafein, rượu và thuốc lá. Những chất này có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng chóng mặt.
  • Uống ít nhất 8 ly nước và ngủ đủ 7 tiếng trở lên mỗi ngày, đồng thời cố gắng tránh các tình huống gây căng thẳng.
  • Áp dụng một chế độ ăn lành mạnh bao gồm rau củ, trái cây và protein nạc để giúp ngăn ngừa chóng mặt.
  • Nếu bạn nghi ngờ tình trạng chóng mặt của mình là do thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc giảm liều hoặc chuyển sang một loại thuốc khác.
  • Sử dụng thuốc không kê đơn, chẳng hạn như meclizine hoặc thuốc kháng histamine, nếu bạn cảm thấy buồn nôn kèm theo chóng mặt. Những loại thuốc này có thể gây buồn ngủ, vì vậy không sử dụng chúng khi bạn cần phải hoạt động hoặc làm việc.
  • Nằm nghỉ ở nơi thoáng mát và bổ sung nước nếu bạn bị chóng mặt do quá nóng hoặc tình trạng mất nước.

Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn lo lắng về tần suất hoặc mức độ nghiêm trọng của tình trạng chóng mặt mà mình gặp phải.

Tóm lại

Hầu hết các trường hợp chóng mặt sẽ tự hết sau khi nguyên nhân cơ bản được điều trị. Trong một số ít các trường hợp, chóng mặt có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Chóng mặt có thể dẫn đến các hậu quả như gây ngất xỉu hoặc mất thăng bằng. Điều này có thể đặc biệt nguy hiểm khi một người đang lái xe hoặc vận hành máy móc nặng. Hãy hết sức cẩn trọng nếu bạn cảm thấy như một cơn chóng mặt đang đến. Nếu bạn bị chóng mặt, hãy dừng lái xe ngay lập tức hoặc tìm một nơi an toàn để nghỉ ngơi cho đến khi cơn chóng mặt qua đi.

Nguồn: Health Line

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu