NHẬP KHẨU DƯỢC PHẨM CỦA VIỆT NAM TĂNG HƠN 24%

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng năm 2024 giá trị nhập khẩu dược phẩm của chúng ta đạt 1.997.990.548 USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu dược phẩm tháng 6 năm 2024 đạt 348.711.261 USD, giảm 1% so với tháng 5/2024. Cộng dồn trong 6 tháng giá trị nhập khẩu dược phẩm của chúng ta đạt 1.997.990.548 USD, tăng 24.1% so với cùng kỳ năm 2023.

Để giảm giá trị nhập khẩu dược phẩm, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, theo đại diện Bộ Y tế, Việt Nam đang chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất thuốc mới, đẩy mạnh phát triển dược lâm sàng, tăng cường giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý… hướng tới trở thành trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo y tế mới trong khu vực.

Cụ thể, trong Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đến 2023 và tầm nhìn đến năm 2045 đang chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công, tiếp nhận chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN.

Theo Chiến lược, Việt Nam phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 – cấp độ cao nhất, theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới.

Đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.

Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường; tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước…

TS.Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết trước đây tiền thuốc bình quân đầu người hàng năm của một người Việt chưa đến 5 USD thì đến nay đã tăng lên 70 USD/người/năm và ngành dược đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc trong nước.

Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả thấp nhất trong khu vực. Các thuốc không đạt chất lượng trong các năm gần đây được duy trì ở mức thấp dưới 2% trên tổng số mẫu lấy trên thị trường. Trong khi vào những năm 1990, tỷ lệ thuốc giả trên thị trường chiếm đến hơn 10%.

Về sản xuất, Việt Nam đã phát triển số lượng lớn doanh nghiệp dược. Tuy nhiên thuốc sản xuất trong nước chưa có tính cạnh tranh cao.

Hơn 200 doanh nghiệp chủ yếu sản xuất thuốc generic. Trên thị trường trong nước có hơn 800 dược chất lưu hành, song số lượng dược chất doanh nghiệp trong nước sản xuất chưa quá 50%.

“Ngành dược vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt. Gần 90% nguyên liệu sản xuất thuốc là nhập khẩu. Tỷ lệ thuốc được đánh giá tương đương sinh học thấp, chỉ khoảng 10%,” ông Tạ Mạnh Hùng phân tích.

Vì vậy, một trong những mục tiêu phát triển ngành dược trong thời gian tới là chuyển một phần từ sản xuất thuốc generic sang thuốc phát minh.

Hay việc Bộ Y tế trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược với một số quy định nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc cũng được kỳ vọng thúc đẩy sản xuất thuốc nội phát triển.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã thêm một số quy định nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, chuyên khoa đặc trị.

Cụ thể, Dự thảo Luật bổ sung các quy định hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc hiếm, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam mang thương hiệu quốc gia.

Bên cạnh đó, Dự thảo cụ thể hóa các ưu đãi đầu tư đối với sản xuất thuốc gốc (generic), nguyên liệu làm thuốc là tá dược, vỏ nang; bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc; xây dựng cơ sở thử nghiệm sinh học, đánh giá sinh khả dụng, tương đương sinh học của thuốc; cơ sở thử nghiệm lâm sàng thuốc.

Đồng thời, tăng tỷ lệ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng tỷ lệ trích và thời gian sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu làm thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Ngoài ra, các chính sách ưu đãi đầu ra (mua thuốc, thanh toán bởi bảo hiểm y tế, giữ giá và giảm giá theo lộ trình…) đối với các thuốc mới được nghiên cứu, thuốc biệt dược gốc nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc biệt dược gốc tại Việt Nam, tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của người dân.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý dược, Dự thảo tạo điều kiện nhằm đơn giản hóa hồ sơ gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; quy định các trường hợp gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành không phải thông qua Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc hoặc không phải chờ Bộ Y tế phê duyệt để đơn giản hóa thủ tục hành chính;

Giảm thời gian giải quyết hồ sơ thay đổi, bổ sung, chỉ cần công bố từ 3 tháng xuống còn 15 ngày làm việc; giảm thời hạn cấp giấy đăng ký lưu hành từ 12 tháng xuống còn 9 tháng trong trường hợp thừa nhận, tham chiếu nhằm đẩy nhanh quá trình cấp phép, bảo đảm quyền tiếp cận thuốc sớm của người dân.

Cho phép cơ sở được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành sau khi hết hiệu lực và đã nộp hồ sơ gia hạn theo quy định đến khi được gia hạn hoặc có văn bản của Bộ Y tế để bảo đảm việc lưu hành liên tục của thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tránh đứt gãy nguồn cung thị trường.

Không tiếp tục gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành, nhưng không lưu hành trên thị trường trong thời hạn hiệu lực 5 năm kể từ ngày được cấp, trừ thuốc hiếm, thuốc điều trị các bệnh hiếm gặp hoặc thuốc có không quá 3 giấy đăng ký lưu hành của cùng hoạt chất, hàm lượng và dạng bào chế còn hiệu lực.

Việc này nhằm hạn chế tình trạng nộp hồ sơ không dựa trên cơ sở nhu cầu thực tiễn, giảm tải giải quyết hồ sơ của cơ quan quản lý cũng như kiểm soát được số lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc thực sự đang lưu thông, phân phối trên thị trường, từ đó có cái nhìn rõ nét về năng lực cung ứng thuốc, hỗ trợ cho công tác hoạch định, dự báo.

Dự thảo cũng phân cấp thẩm quyền thu hồi thuốc cho Sở Y tế trong trường hợp thu hồi bắt buộc đối với thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng ở mức độ 2 hoặc ở mức độ 3 được phát hiện trên địa bàn, nhằm kịp thời xử lý và thu hồi thuốc vi phạm chất lượng trên địa bàn quản lý, đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

Bãi bỏ thủ tục xác nhận nội dung thông tin thuốc và yêu cầu xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc để triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được phê duyệt tại Quyết định số 1661/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế.

Với việc giảm mạnh thủ tục hành chính nêu trên, theo ông Nguyễn Thành Lâm, sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về dược, giúp ngành dược tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả hợp lý cho người dân.

Nguồn: Báo Đầu Tư Online

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu về thuốc generic tại Việt Nam. Chúng tôi chuyên biệt vào các loại thuốc điều trị bệnh mãn tính (bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh thấp khớp, các thuốc chống ung thư và điều hòa miễn dịch, các bệnh hô hấp, tiết niệu, các thuốc điều trị nội tiết toàn thân,…). Sản phẩm của STELLAPHARM đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

07 08/2024

THỊ TRƯỜNG THUỐC VIỆT ĐẠT 7 TỶ USD

Tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam ước tính đạt 7 tỷ USD vào năm 2023, thuộc nhóm quốc gia có giá trị dược phẩm và tốc độ phát triển ngành dược nhanh trên thế giới. Thông tin được PGS. TS. Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng

31 05/2024

DOANH NGHIỆP MỸ KIẾN NGHỊ THUỐC KHÔNG KÊ ĐƠN Ở VIỆT NAM ĐƯỢC BÁN TRÊN KÊNH ONLINE

“Sách Trắng Y Tế năm 2024” với tiêu đề “Đối tác Thúc đẩy Y tế tại Việt Nam” do Tiểu ban Chăm sóc sức khỏe của AmCham tại Tp. HCM (American Chamber of Commerce in Vietnam – Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam) thực hiện, nêu bật các sản phẩm và dịch

12 01/2024

ĐÁNH GIÁ TRIỂN VỌNG NGÀNH DƯỢC PHẨM NĂM 2024

Theo tin từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), cơ quan này vừa thực hiện đánh giá về những cơ hội, thách thức của ngành dược phẩm Việt Nam trong năm 2024. Theo đó, báo cáo ghi nhận, trong năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh

11 07/2024

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ DƯỢC PHẨM

Liên quan đến chính sách quản lý và phát triển công nghiệp dược, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo sửa đổi luật Dược 2016 với các điểm mới phù hợp với thực tế phát triển. Luật Dược 2016 tập trung cho tăng cường việc tự cung, tự cấp thiết yếu cho công tác

19 02/2024

VÌ SAO NGƯỜI BỆNH KHÓ TIẾP CẬN THUỐC MỚI?

Chỉ 42 thuốc mới trong 460 loại được lưu hành trên toàn cầu có mặt ở Việt Nam, do thủ tục và thời gian cấp phép kéo dài, gây ảnh hưởng người bệnh. Hôm 21/01/2024, đại diện Bộ Y tế cho biết giá biệt dược gốc tại Việt Nam ở mức thấp so các nước