Những lầm tưởng về bệnh tim

Tính trên toàn cầu, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Nguyên nhân này chịu trách nhiệm cho 17.9 triệu ca tử vong mỗi năm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, cứ 36 giây lại có một người chết vì bệnh tim mạch tại quốc gia này. Với 4 trường hợp tử vong ở Hoa Kỳ thì 1 trong số đó là do bệnh tim.

Hãy cùng nhau tìm hiểu về một số lầm tưởng liên quan đến bệnh tim nhé.

1. Người trẻ tuổi không cần phải lo lắng về bệnh tim

Đúng là bệnh tim có nhiều khả năng ảnh hưởng đến những người trên 65 tuổi hơn, tuy nhiên 4 – 10% các cơn nhồi máu cơ tim xảy ra ở những người dưới 45 tuổi, chủ yếu ở nam giới. Ngoài ra, cách mà chúng ta sống khi còn thơ ấu, trong giai đoạn thanh thiếu niên và khi trưởng thành sẽ đặt nền móng cho sức khỏe tim mạch khi về già.

Chẳng hạn, ăn theo một chế độ chứa nhiều chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa hoặc hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim khi chúng ta già đi. Những thay đổi về lối sống ở hiện tại sẽ xây dựng nền tảng cho một trái tim khỏe mạnh hơn sau này.

2. Nếu mắc bệnh tim, một người nên tránh tập thể dục

Đây là một lầm tưởng. Tập thể dục giúp tăng cường chức năng cơ tim và cải thiện lưu lượng máu khắp cơ thể.

Vào tháng 8/2020, Hội Tim mạch Châu Âu đã công bố hướng dẫn tập thể dục cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Giáo sư Sanjay Sharma – người đã tham gia vào việc xây dựng các hướng dẫn – giải thích: “Khả năng tập thể dục gây ra tình trạng ngừng tim hoặc nhồi máu cơ tim là cực kỳ thấp”. Tuy nhiên, ông cũng bổ sung thêm một lưu ý mà mọi người cần nhớ: “Những người từ trước đến giờ hoàn toàn không vận động và những người mắc bệnh tim nặng nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi bắt đầu tham gia các hoạt động thể thao.”

3. Tôi đang sử dụng thuốc hạ cholesterol, vì vậy tôi có thể ăn bất cứ thứ gì tôi thích

Một số loại thuốc – chẳng hạn như statin – làm giảm mức cholesterol trong máu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là một người đang sử dụng statin có thể tiêu thụ các thực phẩm chứa chất béo bão hòa mà không cần nghĩ ngợi.

Cholesterol đến từ thực phẩm được tiêu thụ hoặc được sản xuất bởi gan. Statin khóa một enzyme trong gan cần thiết để sản xuất cholesterol, từ đó làm giảm mức cholesterol toàn phần trong máu. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là lượng cholesterol từ thực phẩm tiêu thụ vẫn có thể đi vào máu.

Nói tóm lại, statin chỉ có thể khắc phục phần nào những tác động bất lợi của chế độ ăn không lành mạnh, nhưng chế độ ăn như thế vẫn sẽ làm tăng tỷ lệ các yếu tố nguy cơ độc lập khác đối với bệnh tim, chẳng hạn như béo phì, tăng huyết áp và tiểu đường.

4. Bệnh tim xuất hiện trong gia đình tôi, vì vậy tôi không thể làm gì để ngăn chặn bệnh lý này

Nếu các thành viên trong gia đình bạn từng mắc bệnh tim, điều đó có thể đồng nghĩa với việc nguy cơ bạn mắc phải bệnh lý này sẽ gia tăng. Tuy nhiên, không nhất định luôn là như vậy, có một số cách để giảm nguy cơ, ngay cả đối với những người có khuynh hướng di truyền đối với bệnh lý tim mạch.

Các cách này bao gồm việc áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, ngừng hút thuốc, kiểm soát huyết áp và tập thể dục thường xuyên.

Cũng cần lưu ý rằng nếu bệnh tim di truyền trong gia đình, nó có thể không phải là dấu hiệu của khuynh hướng di truyền. Các gia đình thường có xu hướng có cùng các yếu tố thuộc về lối sống, chẳng hạn như chế độ ăn uống và thói quen về việc có vận động, tập luyện thể dục hay không – cả hai điều này đều có thể tác động đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

5. Vitamin có thể ngăn ngừa bệnh tim

Hầu hết các loại vitamin, khi được dùng với liều lượng khuyến cáo, không gây hại cho sức khỏe tim mạch. Mặt khác, không có bằng chứng cho thấy việc bổ sung bất kỳ loại vitamin nào có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Và các loại sản phẩm bổ sung vitamin chắc chắn không thể thay thế cho chế độ ăn uống lành mạnh và việc tập luyện thể dục thường xuyên.

Một phân tích tổng hợp và đánh giá có hệ thống đã tìm mối liên quan giữa các sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất với một số tình trạng/bệnh lý tim mạch, bao gồm bệnh tim mạch vành và đột quỵ.

Phân tích được công bố vào năm 2018 đã lấy dữ liệu từ 18 nghiên cứu hiện có trên 2,019, 862 người tham gia.

Các tác giả kết luận rằng việc bổ sung đa sinh tố (multivitamin) và khoáng chất không cải thiện các biến cố tim mạch trong dân số nói chung.

Theo Victoria Taylor, trưởng nhóm dinh dưỡng tại Quỹ Tim mạch Anh: “Không có con đường tắt khi nói đến dinh dưỡng – sản phẩm bổ sung không phải là một sự thay thế cho thực phẩm lành mạnh. Bạn có thể được chuyên gia y tế kê đơn sản phẩm bổ sung vitamin hoặc khoáng chất vì những lý do khác, nhưng chúng tôi không khuyến nghị mọi người sử dụng vitamin tổng hợp với mục đích ngăn ngừa các bệnh lý về tim và tuần hoàn”.

6. Tôi đã hút thuốc trong nhiều năm, vì thế ngưng hút thuốc vào thời điểm này sẽ không có ý nghĩa

Đây là một quan niệm sai lầm. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim. Một người sẽ ghi nhận được những lợi ích sức khỏe ngay sau khi họ ngừng hút thuốc. Theo Viện Quốc gia về Lão hóa: “Không quan trọng bạn bao nhiêu tuổi hoặc bạn đã hút thuốc bao lâu, việc bỏ hút thuốc bất kỳ lúc nào cũng đều cải thiện sức khỏe của bạn. Khi bỏ thuốc lá, bạn có khả năng tăng đáng kể tuổi thọ của bản thân, hô hấp dễ dàng hơn, có nhiều năng lượng hơn cũng như có thể tiết kiệm chi phí”.

Họ cũng giải thích rằng bạn sẽ giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, đồng thời có được sự lưu thông máu tốt hơn.

7. Bệnh tim chỉ thực sự ảnh hưởng đến nam giới

Đây là một quan niệm sai lầm, vì bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ.

Việc cho rằng chỉ nam giới bị ảnh hưởng bởi bệnh tim là một quan niệm phổ biến. Đúng là nam giới có khuynh hướng mắc phải bệnh lý tim mạch ở độ tuổi sớm hơn so với phụ nữ, đồng thời có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn, tuy nhiên, phụ nữ lại có nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Một bài báo giải thích: “Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ thường thấp hơn ở nam giới, phụ nữ lại có tỷ lệ tử vong cao hơn và tiên lượng xấu hơn sau các biến cố tim mạch cấp tính.”

8. Ngừng tim giống với nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim và ngừng tim không giống nhau. Cơn nhồi máu cơ tim là một vấn đề thuộc về tuần hoàn. Tình trạng này xảy ra khi động mạch vành – động mạch đóng vai trò dẫn máu mang oxy đến các cơ của tim – bị tắc nghẽn. Trong khi đó, ngừng tim lại là một vấn đề thuộc về điện tim, khi mà tim ngừng việc bơm máu đi khắp cơ thể một cách hiệu quả. Tình trạng ngừng tim thường do cơn nhồi máu cơ tim gây ra.

Trong cơn nhồi máu cơ tim, một người có khả năng vẫn còn tỉnh táo. Ngược lại, trong tình trạng ngừng tim, hầu như họ luôn bất tỉnh. Cả hai tình trạng này đều là những tình trạng cần cấp cứu.

9. Ho trong cơn nhồi máu cơ tim có thể cứu sống một người

Theo một số nguồn thông tin, việc ho mạnh khi gặp phải cơn nhồi máu cơ tim – còn gọi là hồi sức tim phổi bằng cách ho (cough CPR) – có thể cứu sống một người.

Đây là thông tin lan truyền trên mạng internet từ việc bóp méo một bài báo được xuất bản hơn 40 năm trước, cho thấy rằng ở những bệnh nhân bị ngừng tim trong khi tiến hành chụp mạch máu tại bệnh viện nếu ho sau mỗi 1-3 giây thì vẫn tỉnh táo thêm 39 giây.

Không có bằng chứng nào cho thấy kỹ thuật này có hiệu quả trong cộng đồng đối với các cơn nhồi máu cơ tim không phải do các thủ thuật y tế gây ra.

Christopher Allen, một y tá tim mạch cao cấp, cho biết: “Việc cần tuyệt đối ưu tiên khi bạn nghĩ rằng mình hoặc ai đó đang bị một cơn nhồi máu cơ tim là gọi cấp cứu. Bằng cách này, nhân viên y tế có thể đánh giá đúng tình hình và hỗ trợ bạn, đồng thời bạn sẽ được đưa đến bệnh viện nhanh nhất có thể. Không có bằng chứng y tế nào chứng minh cho việc ‘hồi sức tim phổi bằng cách ho’.”

10. Những người mắc bệnh tim nên tránh ăn tất cả các chất béo

Một người bị bệnh tim mạch chắc chắn nên cắt giảm việc tiêu thụ chất béo bão hòa – loại chất béo có trong các loại thực phẩm như bơ, bánh quy, thịt xông khói và xúc xích chẳng hạn, cũng như chất béo chuyển hóa và hydro hóa một phần – loại được tìm thấy trong các loại thực phẩm như bánh nướng, pizza đông lạnh, và bỏng ngô chế biến bằng lò vi sóng.

Tuy nhiên, chất béo không bão hòa có thể mang lại những lợi ích. Chẳng hạn, có một số bằng chứng cho thấy omega-3 – một chất béo không bão hòa đa – có thể bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị “tất cả người lớn nên ăn cá (đặc biệt là cá béo) ít nhất 2 lần mỗi tuần. Thực phẩm này là nguồn cung cấp protein dồi dào và chứa ít chất béo bão hòa. Cá – đặc biệt là các loại cá béo như cá thu, cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ – cung cấp một lượng đáng kể hai loại axit béo omega-3 được chứng minh là có tác dụng bảo vệ tim mạch: axit eicosapentaenoic và axit docosahexaenoic.”

Họ cũng khuyên bạn nên tiêu thụ các axit béo omega-3 có nguồn gốc thực vật. Bạn có thể tìm thấy chúng trong đậu phụ và các thực phẩm chế biến từ đậu nành khác, quả óc chó, hạt lanh và dầu lanh; cũng như dầu hạt cải.

Thông điệp sau cùng

Bệnh tim là căn bệnh phổ biến, nhưng không phải là không thể tránh khỏi. Có những thay đổi lối sống mà tất cả chúng ta có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề tim mạch, cho dù chúng ta đang ở độ tuổi nào đi nữa.

Nguồn: Medical News Today

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

08 12/2021

21 loại thực phẩm có thể giúp ích cho tim của bạn

1. Thảo mộc tươi Khi bạn cho những loại thảo mộc này vào thực phẩm để làm tăng hương vị cho món ăn thay vì cho thêm muối và dầu mỡ, bạn đã có một lựa chọn tốt cho sức khỏe tim mạch đấy. Các loại thảo mộc này chỉ đơn thuần làm dậy lên

25 12/2020

7 bước đơn giản để tránh nhồi máu cơ tim

Cứ 37 giây lại có một người ở Hoa Kỳ chết vì bệnh tim. Có khoảng 650,000 người chết mỗi năm. Và con số này đã tăng lên hàng năm kể từ 2014. Có lẽ còn sốc hơn những gì thể hiện qua các con số, trên thực tế, căn bệnh này trong hầu hết

04 05/2022

Những cách tốt nhất để nuôi dưỡng trái tim của bạn

Chất xơ Bắt dầu ngày mới với yến mạch hoặc ngũ cốc nguyên cám là sự lựa chọn tốt cho tim của bạn. Những thực phẩm này có chứa chất xơ hòa tan giúp làm giảm LDL cholesterol (cholesterol ‘xấu’). Các nguồn thực phẩm khác cũng giàu chất xơ là đậu hạt và ngũ cốc

25 09/2021

Bệnh tim: 12 dấu hiệu cảnh báo xuất hiện trên da

Các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện trên da và móng, đó là lý do tại sao bác sĩ da liễu có thể là người đầu tiên nhận thấy rằng một ai đó có thể mắc bệnh tim. Nếu bạn biết về những dấu hiệu này, bạn cũng có thể nhận biết được

12 10/2020

Buồn ngủ quá mức vào ban ngày có thể báo hiệu bệnh tim, ung thư, tiểu đường

Một nghiên cứu mới được công bố tại AAN 2020 đã chỉ ra rằng, những người lớn tuổi gặp tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày có nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư hoặc tiểu đường cao gấp đôi so với những người bình thường.

17 12/2021

Cách giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà không dùng đến thuốc

Đi bộ Chỉ với đi bộ 40 phút, thực hiện 3 hay 4 lần mỗi tuần (hoặc với 25 phút tập thể dục cường độ cao hơn, như chạy bộ chẳng hạn) có thể làm giảm huyết áp, cholesterol và trọng lượng cơ thể. Bạn không cần phải đảm bảo thời gian đi bộ kể

04 11/2021

Tình trạng căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim

Căng thẳng là một phần bình thường của cuộc sống. Căng thẳng có thể đến từ những nguyên nhân thuộc về thể chất như ngủ không đủ giấc hoặc do bệnh tật. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng căng thẳng có thể là do cảm xúc, chẳng hạn như sự lo lắng về

24 11/2020

10 lời khuyên hàng đầu cho một trái tim khỏe

Một lối sống lành mạnh sẽ giúp trái tim của bạn khỏe hơn. Dưới đây là 10 điều bổ ích bạn có thể áp dụng để chăm sóc trái tim của mình. 1. Bỏ thuốc lá Nếu bạn đang hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Đó là điều tốt nhất bạn có thể làm vì