Phòng ngừa bệnh tim mạch

Khi nói đến khía cạnh phòng ngừa bệnh, các chuyên gia tim mạch thường đề cập một trong ba dạng: phòng ngừa thứ cấp, sơ cấp và nguyên thủy. Cả ba đều có các yếu tố tương tự nhau nhưng thời điểm bắt đầu không giống nhau và hiệu quả mà chúng mang lại cũng khác nhau.

  • Phòng ngừa thứ cấp

Những nỗ lực này được bắt đầu sau khi ai đó bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ; trải qua phẫu thuật nong mạch hoặc bắc cầu động mạch; hoặc mắc phải một số loại bệnh tim mạch khác. Phòng ngừa thứ cấp liên quan đến việc dùng các loại thuốc như aspirin và/hoặc statin – thuốc làm giảm cholesterol, bỏ hút thuốc, giảm cân nếu cần, tập thể dục nhiều hơn và tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh. Mặc dù phòng ngừa thứ cấp nghe có vẻ giống như việc “mất bò mới lo làm chuồng”, thực tế lại không phải vậy. Các biện pháp này có thể ngăn ngừa cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ xảy ra lần thứ hai, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh lý tim mạch và ngăn ngừa tử vong sớm. Điều đó là rõ ràng khi mà ‘kẻ giết người số một’ đối với những người sống sót sau cơn nhồi máu cơ tim đầu tiên chính là sự xuất hiện lặp lại tình trạng này.

  • Phòng ngừa sơ cấp

Các biện pháp phòng ngừa sơ cấp nhằm mục tiêu giữ cho một người có nguy cơ tim mạch không bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ lần đầu tiên; không cần phải tiến hành nong mạch hoặc phẫu thuật; hoặc không mắc phải một số loại bệnh lý tim mạch khác. Phòng ngừa sơ cấp thường nhắm vào những đối tượng đã có các yếu tố nguy cơ tim mạch, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc cholesterol cao. Giống như phòng ngừa thứ cấp, phòng ngừa sơ cấp cũng tập trung vào việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ này bằng cách thay đổi để có được lối sống lành mạnh và sử dụng thuốc nếu cần thiết. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý, sự xuất hiện của các yếu tố nguy cơ tim mạch đáng lo ngại có nghĩa là những tình trạng như viêm, xơ vữa động mạch và/hoặc rối loạn chức năng nội mô đã gây ra những tác động tiêu cực nhất định đến sức khỏe và trong hầu hết các trường hợp, là không thể phục hồi.

  • Phòng ngừa nguyên thủy

Khái niệm ‘nguyên thủy’ có nghĩa là tiến hành sớm ngay từ đầu. Phòng ngừa nguyên thủy liên quan đến các biện pháp giúp ngăn ngừa không cho tình trạng viêm, xơ vữa động mạch và rối loạn chức năng nội mô xuất hiện, và do đó ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, cholesterol cao, thừa cân và sau cùng là các biến cố tim mạch. Mặc dù hiếm khi được thảo luận trước đây, phòng ngừa nguyên thủy hiện lại là nền tảng trong định nghĩa của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ về sức khỏe tim mạch lý tưởng và những nỗ lực giúp mọi người đạt được điều này. Đúng như tên gọi của nó, bạn bắt đầu tiến hành các biện pháp phòng ngừa nguyên thủy càng sớm – lý tưởng là ngay từ thời niên thiếu – bạn càng có nhiều khả năng có được sức khỏe tim mạch tốt và bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lý tim mạch.

Các biện pháp phòng ngừa nguyên thủy đối với bệnh tim mạch

Sau đây là bốn cách quan trọng thuộc về lối sống bạn có thể thực hiện để có thể làm giảm đáng kể khả năng phát triển các yếu tố nguy cơ tim mạch và sau đó là sự xuất hiện của bệnh lý tim mạch:

1. Không hút thuốc

Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho sức khỏe của mình chính là không hút thuốc dưới mọi hình thức. Hút thuốc là một thói quen khó bỏ và thói quen này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như rút ngắn tuổi thọ của bạn. Và một trong số những tác động của thuốc lá khiến sức khỏe và tuổi thọ phải hứng chịu hậu quả là việc hút thuốc góp phần gây ra các bệnh lý tim mạch.

Trên thực tế, khi xem xét mối liên hệ giữa việc hút thuốc lá và việc bỏ thuốc với tỷ lệ tử vong – thông qua một nghiên cứu kéo dài nhiều thập kỷ trên 100,000 phụ nữ – các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc lá được quy là ‘thủ phạm’ gây ra khoảng 64% số ca tử vong ở những người hiện đang hút thuốc và 28% số ca tử vong ở những người từng hút thuốc trước đây.

Nghiên cứu này cũng báo cáo rằng sau khi bỏ thuốc, phần lớn nguy cơ tử vong gia tăng do việc hút thuốc có thể giảm xuống đáng kể. Ngoài ra, sau 20 năm từ khi bỏ thuốc, nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào cũng giảm xuống bằng với mức nguy cơ tương ứng ở những người không bao giờ hút thuốc.

Thành phần nicotine có trong thuốc lá là một trong những chất gây nghiện nhiều nhất. Điều đó làm cho việc hút thuốc lá trở thành một trong những thói quen có hại khó có thể từ bỏ. Nhưng bạn đừng nản lòng, nhiều người hút thuốc đã nỗ lực bỏ được thói quen nguy hiểm này.

2. Duy trì cân nặng hợp lý

Cân nặng dư thừa và vòng eo quá khổ đều góp phần gây ra bệnh tim cũng như một loạt các vấn đề sức khỏe khác.

Trong một nghiên cứu trên 1 triệu phụ nữ, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao là một yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh tim mạch vành. Tỷ lệ mắc bệnh tim mạch vành tăng lên tỷ lệ thuận với chỉ số BMI

Trong hai nghiên cứu Nurses’ Health và Health Professionals Follow-Up, phụ nữ và nam giới ở độ tuổi trung niên tăng 5 – 10 kg sau tuổi 20 có nguy cơ mắc bệnh tim, huyết áp cao, tiểu đường tuýp 2 và sỏi mật cao gấp 3 lần so với những người chỉ tăng từ 2.3 kg trở xuống.

Những người tăng hơn 10kg thậm chí còn có nguy cơ mắc các bệnh này cao hơn nữa.

Cân nặng và chiều cao thường đi đôi với nhau. Một người càng cao, người đó sẽ càng nặng. Đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu đã nghĩ ra một số biện pháp đo lường có tính đến cả cân nặng và chiều cao. Chỉ số thường được sử dụng là Body Mass Index – BMI.

Bạn có thể tính chỉ số BMI bằng cách chia cân nặng (theo kg) cho chiều cao (theo mét) bình phương.

Chỉ số BMI dưới 25 kg/m2 cho thấy một người có cân nặng phù hợp. Tình trạng thừa cân được định nghĩa là khi chỉ số BMI từ 25 – 29.9 kg/m2 và béo phì với chỉ số BMI là từ 30 kg/m2 trở lên.

Kích thước vòng eo cũng quan trọng. Ở những người không bị thừa cân, kích thước vòng eo có thể là một dấu hiệu cảnh báo – thậm chí còn rõ ràng hơn so với chỉ số BMI – về việc gia tăng các nguy cơ sức khỏe. Một hội đồng chuyên gia do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ nhóm họp lại đã xác định các tiêu chuẩn cho chỉ số này: Nam giới nên hướng đến kích thước vòng eo dưới 102 cm và ở phụ nữ, con só này nên dưới 88 cm.

3. Tập luyện

Tập thể dục và hoạt động thể chất là những cách tuyệt vời để ngăn ngừa bệnh tim cũng như nhiều bệnh lý/tình trạng sức khỏe khác. Tuy nhiên, khi già đi, nhiều người trong chúng ta lại ít vận động hơn.

Hoạt động thể chất thường xuyên là một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho sức khỏe của mình. Điều này làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ, cao huyết áp, loãng xương và một số bệnh ung thư. Đồng thời nó cũng có thể giúp kiểm soát căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, cải thiện tâm trạng, kiểm soát cân nặng, cũng như giảm nguy cơ té ngã và cải thiện chức năng nhận thức ở người lớn tuổi.

Bạn không cần phải tập luyện marathon để thấy được những cải thiện sức khỏe thực sự. Việc vận động vừa phải – chẳng hạn như đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày và duy trì 5 ngày trong tuần – là đủ mang lại những lợi ích quan trọng cho hầu hết mọi người. Dù ít hay nhiều, tập thể dục ở bất kỳ mức độ nào cũng vẫn tốt hơn là không luyện tập.

Tập thể dục và hoạt động thể chất mang lại lợi ích cho cơ thể, trong khi lối sống ít vận động thì ngược lại, làm tăng nguy cơ thừa cân và mắc phải một số bệnh lý mạn tính.

Nghiên cứu cho thấy những người dành nhiều thời gian trong ngày để xem tivi nói riêng và ngồi nhiều nói chung có nguy cơ tử vong sớm cao hơn những người vận động nhiều. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy rằng, trong số những phụ nữ ở độ tuổi 50 – 79 tuổi không mắc bệnh tim mạch tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu, thời gian ngồi kéo dài có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch bất kể thời lượng dành cho hoạt động thể chất là bao nhiêu.

4. Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh

Trong những năm vừa qua, nghiên cứu về mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và bệnh tim mạch tập trung vào các thành phần dinh dưỡng riêng lẻ như cholesterol (và thực phẩm chứa nhiều cholesterol, như trứng chẳng hạn), các loại chất béo cũng như các vitamin và các khoáng chất cụ thể. Nghiên cứu này đã làm sáng tỏ nhiều điều, tuy nhiên, cũng có một vài ngõ cụt, cùng với những lầm tưởng và nhầm lẫn về những yếu tố nào góp phần hình thành nên một chế độ ăn uống tốt cho tim mạch. Đó là bởi vì mọi người ăn thực phẩm, không phải chất dinh dưỡng.

Chế độ ăn uống tốt nhất để phòng ngừa bệnh tim mạch là chế độ:

  • có đầy đủ trái cây và rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại quả hạch, cá, thịt gia cầm và dầu thực vật
  • rượu ở mức độ vừa phải hoặc không bao gồm rượu
  • ít thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, carbohydrate tinh chế, thực phẩm và đồ uống có thêm đường bổ sung, natri và thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa.

Những người tuân phủ chế độ ăn như trên có nguy cơ mắc bệnh tim giảm 31%, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường giảm 33% và nguy cơ đột quỵ giảm 20%.

Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải có chứa dầu ô liu nguyên chất hoặc các loại quả hạch – đều là hai nguồn giàu chất béo không bão hòa – có thể làm giảm tỷ lệ các biến cố tim mạch lớn ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch trong thời gian theo dõi kéo dài 4.8 năm.

Nghiên cứu này cũng nhấn mạnh rằng chế độ ăn ít chất béo không có lợi cho sức khỏe tim mạch, đồng thời, việc kết hợp các chất béo lành mạnh – chẳng hạn như những thành phần có trong chế độ ăn Địa Trung Hải – có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giúp giảm cân.

Không có một công thức chính xác cho chế độ ăn Địa Trung Hải, vì chế độ ăn này có tính đến các loại thực phẩm, kiểu ăn uống và lối sống khác nhau ở nhiều quốc gia có biên giới với biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, có những điểm tương đồng giúp xác định chế độ ăn này, bao gồm:

  • tiêu thụ nhiều dầu ô liu, các loại quả hạch, rau củ quả, trái cây và ngũ cốc
  • tiêu thụ với lượng vừa phải cá và thịt gia cầm
  • tiêu thụ ít các sản phẩm từ sữa, thịt đỏ, thịt đã qua chế biến và đồ ngọt
  • rượu vang uống trong bữa ăn và ở mức độ vừa phải.

Một nghiên cứu năm 2020 tập trung vào điểm số chế độ ăn uống cho 4 mô hình ăn uống lành mạnh: Chỉ số Ăn uống Tốt cho sức khỏe – 2015; Điểm số Chế độ ăn Địa Trung Hải luân phiên; Chỉ số chế độ ăn uống dựa trên thực phẩm nguồn gốc thực vật có lợi cho sức khỏe; và Chỉ số Ăn uống Lành mạnh luân phiên. Mặc dù có các phương pháp tính điểm khác nhau, các mô hình này đều nhấn mạnh vào lượng tiêu thụ cao hơn đối với ngũ cốc nguyên hạt, rau củ quả, trái cây, các loại đậu và các loại quả hạch, cũng như lượng tiêu thụ thấp hơn đối với thịt đỏ, thịt đã qua chế biến cũng như các đồ uống có đường.

Nghiên cứu cho thấy những người tuân thủ nhiều nhất đối với chế độ ăn uống lành mạnh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch giảm từ 14 – 21% so với những người ít tuân thủ nhất. Các phát hiện cũng chỉ ra rằng những mô hình ăn uống lành mạnh khác nhau này có hiệu quả tương tự trong việc giảm nguy cơ tim mạch giữa các nhóm chủng tộc, dân tộc, cũng như các phân nhóm khác được nghiên cứu, đồng thời mối liên hệ giữa các mô hình ăn uống lành mạnh với việc giảm nguy cơ mắc cả bệnh mạch vành và đột quỵ là có ý nghĩa thống kê.

Natri và kali là hai khoáng chất có tương quan với nhau, đóng vai trò chính trong việc điều hòa huyết áp và có một trái tim khỏe mạnh. Việc tiêu thụ ít đi những thực phẩm có nhiều muối natri và nhiều hơn những thực phẩm giàu kali có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Kali được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là trái cây, rau củ quả, các loại đậu và các sản phẩm từ sữa ít béo. Tác hại của việc ăn nhiều thực phẩm giàu natri – đặc biệt là bánh mì chế biến sẵn, đồ ăn vặt đóng gói sẵn, đồ hộp, đồ ăn nhanh – trong khi bó qua kali có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.

Kết hợp các biện pháp cùng với nhau

Bạn có thể phòng ngừa bệnh tim mạch bằng cách thực hiện 4 cách quan trọng sau và biến chúng trở thành thói quen:

  • Không hút thuốc (hoặc bỏ thuốc nếu bạn là người hút thuốc)
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Luyện tập thể dục và duy trì sự vận động
  • Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh.

Các nghiên cứu đáng tin cậy cho thấy mối liên hệ giữa việc giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch với những thói quen này. Việc thực hiện một lối sống lành mạnh có thể ngăn ngừa hơn 80% các trường hợp bệnh mạch vành, 50% đột quỵ do thiếu máu cục bộ, 80% đột tử do tim và 72% tử vong sớm liên quan đến bệnh tim. Nói cách khác, lối sống lành mạnh là một ‘khoản đầu tư’ tốt cho một cuộc sống thọ hơn, khỏe mạnh hơn.

Nguồn: Harvard T.H. Chan School of Public Health

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu