Thực phẩm có thể được xem như thuốc? Ưu và nhược điểm của cách tiếp cận này

“Thực phẩm như thuốc” (Food as medicine) có thể là một khái niệm mới nổi tại các nước phương Tây nhưng thực ra đã tồn tại trong nhiều thế kỷ với vai trò là nền tảng sức khỏe của nhiều nền văn hóa trên toàn cầu. Tuy nhiên, người ta đã đặt câu hỏi về vai trò của chế độ ăn uống và thực phẩm trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật khi so sánh với thuốc. Bài viết này sẽ giải thích những lợi ích cũng như những hạn chế của phương pháp chăm sóc sức khỏe xem thực phẩm có vai trò như thuốc.

Việc chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của một cá nhân đã được các chuyên gia y tế trên toàn thế giới công nhận. Những người được tiếp cận với chế độ dinh dưỡng đầy đủ có nhiều khả năng có hệ miễn dịch tốt hơn, có thai kỳ và quá trình sinh con an toàn hơn, có ít nguy cơ hơn trong việc mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch, đồng thời họ cũng sống thọ hơn.

Các lý do cho những lợi ích kể trên là rất nhiều, cũng như phức tạp và đồng thời, chưa được hiểu rõ và đầy đủ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn có nhiều đường bổ sung, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, cũng như chứa quá nhiều muối natri có thể gây ra tình trạng viêm mạn tính – đây là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của việc mắc phải bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2, tình trạng sức khỏe đường ruột kém và các bệnh lý mạn tính khác.

Tương tự như vậy, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ gần đây đã đưa ra các khuyến nghị về chế độ ăn uống và lối sống bao gồm một chế độ ăn giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch với nhiều trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các sản phẩm từ sữa ít béo và protein có nguồn gốc thực vật hoặc protein từ thịt nạc.

Các chuyên gia cho rằng chế độ ăn này hỗ trợ sức khỏe nhờ khả năng của nó trong việc giảm các yếu tố nguy cơ có hại của bệnh tim mạch, bao gồm tình trạng viêm, tăng cholesterol, huyết áp cao và ngủ kém.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chỉ ra mối liên hệ giữa tình trạng dinh dưỡng với sức khỏe miễn dịch.

Hơn nữa, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng carotenoid – chất chống oxy hóa tự nhiên được tìm thấy trong một số loại trái cây và rau củ quả – được tiêu thụ thông qua chế độ ăn có thể cải thiện các chất chuyển hóa trong máu ở những người mắc bệnh gan.

Những phát hiện khoa học qua nhiều thập kỷ ủng hộ vai trò không thể thiếu của chế độ ăn uống trong việc quản lý sức khỏe – vấn đề không nên đánh giá thấp.

Theo “Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn 2020-2025” tính cốt lõi của một chế độ ăn uống lành mạnh được xây dựng dựa trên việc tiêu thụ đa dạng các loại thực phẩm và đồ uống giàu chất dinh dưỡng, bao gồm:

  • trái cây
  • rau củ quả
  • các loại ngũ cốc nguyên hạt
  • sản phẩm từ sữa ít béo và không chứa chất béo
  • protein nạc
  • các loại dầu và chất béo lành mạnh.

Để có sức khỏe tốt, nên hạn chế lượng tiêu thụ đối với thành phần như đường bổ sung, muối, chất béo bão hòa và rượu.

Một số chế độ ăn có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe bao gồm chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean diet), phương pháp ăn uống để ngăn chặn bệnh tăng huyết áp (DASH) và phương pháp ăn lành mạnh MyPlate của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Thực phẩm như thuốc

Khái niệm “Thực phẩm như thuốc” được xây dựng dựa trên kiến ​​thức về việc thực phẩm và chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật.

Không có một định nghĩa duy nhất nào cho khái niệm “Thực phẩm như thuốc”, tuy nhiên, nó thường đề cập đến việc ưu tiên tập trung vào thực phẩm và chế độ ăn uống trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe của một cá nhân, với mục tiêu phòng ngừa, giảm các triệu chứng bệnh hoặc đẩy lùi bệnh tật.

Khái niệm này tập trung vào việc tăng cường tiêu thụ nhiều loại thực phẩm toàn phần có nguồn gốc từ thực vật và ít qua chế biến nhất có thể, đồng thời hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường bổ sung, chất béo và muối.

Những người ủng hộ quan điểm cho rằng thực phẩm có những đặc tính của thuốc lý giải rằng những thực phẩm như thế thường có hàm lượng cao của một vi chất dinh dưỡng hoặc phân tử sinh học cụ thể – đôi khi được gọi là thực phẩm chức năng – và họ đặc biệt quan tâm đến những thực phẩm này.

Chúng bao gồm nhiều loại thảo mộc và gia vị, các loại đậu, các loại quả hạch và hạt, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ quả.

Cách tiếp cận “thực phẩm như thuốc” để quản lý sức khỏe đã phần nào thách thức nền y học truyền thống – chủ yếu dựa vào tiến bộ y học công nghệ để quản lý sức khỏe và bệnh tật bằng dược phẩm.

Cần lưu ý rằng nền y học phương Tây chỉ định việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống như một phương pháp điều trị đầu tay đối với một số bệnh lý nhất định.

Lợi ích

Dưới đây là một số lợi ích của phương pháp chăm sóc sức khỏe xem thực phẩm có vai trò như thuốc.

  • Kiểm soát bệnh tật

Liệu pháp dinh dưỡng y tế (medical nutrition therapy) là một phần của thực hành sức khỏe dựa trên bằng chứng, trong đó sử dụng chế độ ăn uống và thực phẩm để hỗ trợ điều trị bệnh. Liệu pháp này là một minh chứng rõ ràng về vai trò của chế độ ăn uống và thực phẩm trong việc kiểm soát bệnh lý mạn tính.

Chẳng hạn, việc tăng cường chất xơ trong chế độ ăn hỗ trợ làm giảm lượng đường trong máu ở những người mắc tiền tiểu đường hoặc tiểu đường, từ đó giảm sự xuất hiện của tổn thương thần kinh và mạch máu liên quan đến đường huyết cao.

Những cải thiện trong chất lượng của chế độ ăn uống cũng có thể làm giảm các triệu chứng bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Một nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn Địa Trung Hải được điều chỉnh có thể giúp giảm đau, giảm mệt mỏi và khó chịu ở những người bị phù mỡ (lipoedema), đây là tình trạng có sự tích tụ mỡ bất thường ở chi dưới.

Tương tự như vậy, các nghiên cứu quan sát đã xác định rằng một chế độ ăn uống lành mạnh trong quá trình điều trị ung thư vú có thể làm giảm các triệu chứng không mong muốn do việc điều trị ung thư gây ra, chẳng hạn như buồn nôn, nôn mửa và chán ăn.

  • Hiệu quả về chi phí

Tỷ lệ mắc các bệnh lý mạn tính đã gia tăng trên toàn thế giới, cùng với đó là việc gia tăng các chi phí chăm sóc sức khỏe có liên quan. Các chi phí này được một phần được ngân sách nhà nước chi trả, một phần là chi phí tự trả của bệnh nhân.

Việc áp dụng cách tiếp cận “thực phẩm như thuốc” có thể làm giảm chi phí chăm sóc sức khỏe một cách tiềm năng thông qua việc giảm phần nào mức độ trầm trọng của bệnh, giảm bớt chi nghiên cứu thuốc, ít sử dụng thuốc hơn và ít nhập viện hơn.

Hạn chế

Mặc dù mang lại một số lợi ích như đề cập ở trên, quan niệm “Thực phẩm như thuốc” không phải là một cách tiếp cận không có những nhược điểm. Sau đây là một số hạn chế của cách tiếp cận này.

  • Không phải là một phương pháp chữa khỏi cho tất cả các bệnh

“Thực phẩm như thuốc” không phải là một phương pháp tồn tại độc lập khi nói đến việc điều trị tất cả các bệnh lý/tình trạng sức khỏe.

Việc mắc phải cũng như tiến triển của các bệnh lý mạn tính là phức tạp và có thể do các nguyên nhân không liên quan đến chế độ ăn uống, chẳng hạn như nguy cơ di truyền, việc tiếp xúc với độc tố môi trường hoặc các tình trạng tự miễn.

Chính vì thế, mặc dù “thực phẩm như thuốc” có thể hỗ trợ kiểm soát bệnh bằng cách cải thiện các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh ở một số bệnh lý nhất định, nó không được áp dụng như một phương pháp điều trị độc lập mà cần phải kết hợp với liệu pháp y tế thích hợp.

  • Được thúc đẩy bởi thông tin sai lệch

Thông tin từ các phương tiện truyền thông có thể là nguồn hiệu quả – dành cho các chuyên gia và tổ chức y tế, cũng như mọi cá nhân – trong việc cập nhật kiến thức và nâng cao sức khỏe.

Tuy nhiên, đó cũng có thể là nguồn cung cấp thông tin sai lệch hoặc chia sẻ những thông tin không thể kiểm chứng được, đặc biệt là khi liên quan đến cách tiếp cận “thực phẩm như thuốc” hoặc các liệu pháp thay thế trong điều trị bệnh.

Như đã được nêu trong cuốn sách “Thực phẩm không phải là thuốc” của Bác sĩ kiêm chuyên gia dinh dưỡng Joshua Wolrich, việc chê bai, bài xích một số loại thực phẩm cụ thể có thể dẫn đến hành vi ăn uống không lành mạnh.

  • Tương tác giữa thuốc và chất dinh dưỡng có trong thực phẩm

Điều quan trọng là phải xem xét cách thức thực phẩm tương tác với thuốc. Đây được gọi là tương tác thuốc–chất dinh dưỡng, loại tương tác có thể tăng cường hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến tác dụng của thuốc trong cơ thể.

Một ví dụ phổ biến là nước ép bưởi – thức uống mà bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên tránh khi đang sử dụng một số loại thuốc – mặc dù có nghiên cứu cho thấy rằng nó có thể tăng cường tác dụng của các thuốc statin với vai trò làm giảm cholesterol.

Vì lợi ích tốt nhất của việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, tương tác thuốc–chất dinh dưỡng cần phải được xem xét trong mối quan hệ liền lạc của “thực phẩm như thuốc” và các can thiệp y tế thích hợp.

Tóm lại

“Thực phẩm như thuốc” có thể là một khái niệm mới nổi ở các nước phương Tây, tuy nhiên, nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới từ lâu đã công nhận vai trò của chế độ ăn uống đối với sức khỏe.

Nhiều chế độ ăn lành mạnh khác nhau với nhiều trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại quả hạch và hạt, protein nạc và sản phẩm từ sữa ít béo có thể làm giảm nguy cơ mắc phải các bệnh lý mạn tính, chẳng hạn như bệnh tim mạch và tiểu đường tuýp 2.

Tuy nhiên, “thực phẩm là thuốc” không phải là phương pháp chữa khỏi cho tất cả mọi người và mọi bệnh tật. Đồng thời, phương pháp này cần được sử dụng kết hợp với liệu pháp điều trị y tế phù hợp.

Nguồn: Medical News Today

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu